|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làn sóng dịch thứ hai đập tan hi vọng hồi sinh các điểm du lịch ở Đông Nam Á

12:20 | 08/09/2020
Chia sẻ
Làn sóng lây nhiễm mới ở đảo Bali của Indonesia và ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 100 ngày ở Thái Lan đã làm tiêu tan hi vọng làm sống lại ngành du lịch nơi đây.

Kế hoạch mở cửa đón du khách nước ngoài tới Bali vào tháng 9 đã bị trì hoãn vô thời hạn. Trong khi đó, đề xuất của Thái Lan về việc hoạt động trở lại đảo Phuket khó có thể thành hiện thực.

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy du lịch trong nước, một số quốc gia Đông Nam Á đang cân nhắc tới chiến lược "bong bóng du lịch": liên minh giữa các quốc gia láng giềng có tỉ lệ lây nhiễm thấp, cho phép du khách từ nước này sang nước khác tự do. Tuy nhiên, chiến lược này có thể không giúp ích được gì, trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn khó lường.

Làn sóng dịch thứ hai đập tan hi vọng hồi sinh các điểm du lịch ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Bali gia tăng số ca nhiễm sau khi mở cửa du lịch nội địa. (Ảnh: Reuters).

Giai đoạn đầu, Bali chống chọi tốt với dịch bệnh tốt hơn so với những khu vực khác của Indonesia – quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á cho đến nay. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại biên giới, thúc đẩy du lịch nội địa vào cuối tháng 7, các ca nhiễm tại Bali tăng đột biến.

Tiến sĩ Pandu Riono, một nhà dịch tễ học từ Đại học Indonesia, cho biết: "Du lịch nội địa tăng cao là yếu tố quan trọng làm gia tăng các ca bệnh ở Bali".

Trong khi Ketut Suarjaya, người đứng đầu cơ quan y tế của Bali, cho biết du lịch nội địa không phải là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các ca COVID-19, trong khi đó một số quan chức khác cho rằng làn sóng dịch bùng phát trở lại ở Bali là bài học kinh nghiệm, lời cảnh báo về nguy cơ mở lại biên giới quá sớm.

Các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế công cộng ở Indonesia nhấn mạnh nguy cơ khách du lịch đến Bali mang theo nguồn lây nhiễm từ các nơi khác, họ cũng nhắc đến những thiếu sót của chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch, như không thực hiện xét nghiệm diện rộng và khả năng truy vết ca nhiễm kém.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cũng cho biết một yếu tố khác khiến số ca nhiễm tại Bali tăng đột biến, đó là sự xuất hiện của biến chủng virus SARS-CoV-2, được gọi là D614G.

Hôm 4/8, Bali ghi nhận kỉ lục 196 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày. Đến nay, hòn đảo này ghi nhận tổng cộng 6.212 ca nhiễm, trong đó 5.017 ca hồi phục, 105 ca tử vong.

Trong quí II/2020, kinh tế Indonesia chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên trong hơn hai thập kỉ, du lịch Bali cũng chịu thiệt hại nặng nề của COVID-19.

Thái Lan, nơi ngành du lịch chiếm hơn 11% GDP, mặc dù đã kiểm soát tốt được dịch nhưng nền kinh tế vẫn hứng chịu ảnh hưởng khủng khiếp và không tưởng.

Hiện, Thái Lan đã tạm ngừng các kế hoạch triển khai thỏa thuận "bong bóng du lịch" với một số quốc gia khi số ca nhiễm có dấu hiệu gia tăng ở châu Á.

Yuthasak Supasorn, Thống đốc Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), cho biết kế hoạch đón du khách nước ngoài đến Phuket có thể sẽ bị trì hoãn. Trước đó, nước này dự kiến sẽ mở cửa Phuket vào ngày 1/10.

Còn với Việt Nam, theo Reuters, du lịch nội địa cũng đang gặp khó khăn sau đợt tái bùng phát dịch hồi cuối tháng 7 ở Đà Nẵng. Thành phố biển sau đó đã thực hiện nghiêm ngặt cách li xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh. Từ 5/9, sau 40 ngày áp dụng cách li xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, Đà Nẵng cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán hàng cho khách mang đi; đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng; nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.

Đà Nẵng chưa cho tắm biển trở lại. Tuy nhiên để phục hồi kinh tế đang bị đứt gãy, thành phố cho phép các khách sạn, cơ sở lưu trú mở cửa; dịch vụ tại đây như ăn uống, massage chưa được hoạt động.

Anh Đào (Theo Reuters)