|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Làn sóng di cư của giới nhà giàu Trung Quốc tiếp tục gia tăng

06:58 | 19/06/2023
Chia sẻ
làn sóng di cư của các triệu phú Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay, giữa bối cảnh nền kinh tế chậm lại và Chính phủ thắt chặt kiểm soát chính trị.

Người dân và du khách tham quan mua sắm ở khu vực Causeway, Hong Kong (Trung Quốc). (Ảnh: TTXVN )

Báo Nikkei Asia (Nhật Bản) vừa dẫn một báo cáo của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cho biết, làn sóng di cư của các triệu phú Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay, giữa bối cảnh nền kinh tế chậm lại và Chính phủ thắt chặt kiểm soát chính trị.

Theo Báo cáo di chuyển tài sản tư nhân của Henley, trong năm 2023, Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến dòng chảy của 13.500 cá nhân có giá trị tài sản lớn, kéo dài tình trạng các triệu phú rời khỏi đất nước trong thập kỷ qua.

Trong khi Trung Quốc được ước tính có 823.800 triệu phú, làn sóng di cư có thể "cuốn" đi hàng triệu USD khi những triệu phú rời đi, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng của nước này. Henley định nghĩa những cá nhân có giá trị ròng cao là những người có hơn 1 triệu USD trong tài sản có thể đầu tư.

Andrew Amoils, Trưởng bộ phận nghiên cứu của New World Wealth, cho biết: “Tăng trưởng tài sản nói chung ở Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua, điều đó có nghĩa là dòng tiền chảy ra nước ngoài gần đây có thể gây thiệt hại nhiều hơn bình thường.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2000 đến năm 2017, nhưng mức tăng trưởng của cải và triệu phú ở nước này không còn mạnh mẽ kể từ thời điểm đó".

Theo Henley, trên toàn cầu, 122.000 cá nhân giàu có được dự báo sẽ di cư trong năm nay, vượt mức cao kỷ lục ghi nhận vào năm 2019. Nhu cầu di cư từ các khách hàng Đông Á đã tăng vọt sau khi các hạn chế về đại dịch được bãi bỏ vào đầu năm nay, vượt 15% so với mức cao nhất của năm 2019.

Denise Ng, Giám đốc của Henley & Partners Hong Kong, cho biết: “Có những người muốn cải thiện khả năng di chuyển của họ với khả năng tiếp cận miễn thị thực nhiều hơn đến các khu vực quan trọng, hoặc đảm bảo tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc tận hưởng sự ổn định chính trị cao hơn”.

Singapore đã nổi lên như một điểm nóng về tiền của Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh thắt chặt các biện pháp phòng chống COVID-19, khiến quốc gia này bị cô lập trong gần 3 năm và đẩy nhanh làn sóng di cư của giới siêu giàu vào năm ngoái.

Dòng của cải đổ vào Singapore đã thúc đẩy đà tăng giá nhà và các chi phí sinh hoạt khác. Henley & Partners cho biết, khoảng 10.800 triệu phú trên toàn thế giới đã di cư trong năm 2022.

Hong Kong (Trung Quốc) được dự đoán sẽ chứng kiến 1.000 triệu phú di cư trong năm nay. Điều này có thể cản trở nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm thu hút những người giàu có và biến trung tâm tài chính thành trung tâm quản lý tài sản và văn phòng gia đình.

Denise Ng cho biết, nhiều cá nhân có thu nhập cao từ Bắc Á đang tìm cách chuyển đến châu Âu, trong khi ít người tìm cách chuyển đến những nơi khác ở châu Á, với số đơn đăng ký cho các chương trình di cư trong châu Á giảm 20%.

Công ty tư vấn di cư đầu tư này cho hay tổng nhu cầu di cư đã tăng vọt với số lượng kỷ lục các đơn yêu cầu trong chương trình di cư đầu tư trong quý I năm nay.

Số lượng triệu phú dự kiến sẽ rời khỏi Ấn Độ, quốc gia đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm nay, đứng thứ hai trên toàn cầu. Tuy nhiên, dòng tiền đi theo của năm 2023 được dự đoán thấp hơn so với năm 2022, do số lượng người giàu mới ngày càng tăng.

Theo báo cáo, Australia dự kiến sẽ thu hút dòng vốn lớn nhất của các cá nhân giàu có trong năm nay với 5.200 người, trong khi Singapore được dự báo sẽ nhận được dòng vốn ròng cao kỷ lục từ 3.200 người giàu di cư.

Nguyễn Tuyến