Lãi suất huy động tăng mạnh, làm sao ổn định lãi suất cho vay?
Kể từ tháng 6, các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi, giảm căng thẳng thanh khoản hệ thống. Cuộc đua lãi suất lại càng nóng hơn sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng đồng loạt tại nhiều ngân hàng, mức cao nhất đã lên tới gần 9%/năm, mặt bằng lãi suất dần trở về trạng thái trước dịch COVID-19. Điều này dấy lên lo ngại về biến động lãi suất cho vay.
Thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã tăng đáng kể. Khảo sát ngày 4/10, có 3 ngân hàng có động thái tăng lãi suất vay mua nhà là HSBC, BIDV và Techcombank.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất đến 3,9 điểm %, nâng lãi suất vay mua nhà lên mức 10,59%/năm. HSBC đang triển khai lãi suất vay mua nhà là 7%/năm, tăng 0,8 điểm % so với khảo sát hồi đầu tháng trước. BIDV cũng điều chỉnh tăng lãi suất 1,5 điểm % lên 7,7%/năm trong tháng này.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, trước câu hỏi về giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bình ổn lãi suất cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành đã tính đến mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo Phó thống đốc, về giải pháp bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm sau khi tăng trần lãi suất huy động tiền gửi, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, NHNN khi điều chỉnh lãi suất này cũng đã tính đến mục tiêu này.
Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay, thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay
Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay ở một số ngành nghề và doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững chắc có thể sẽ chỉ nhích dần theo chi phí huy động của các ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất cho vay không thể tăng vượt lãi suất huy động
Nhận định về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thực tế hiện nay, mặt bằng chung lãi suất huy động tiền gửi của dân cư và tổ chức có sự biến động. Sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng điều chỉnh lãi suất huy động vốn.
Lãi suất huy động vốn tăng lên mục đích cuối cùng là để đảm bảo vốn cho hoạt động của các TCTD. Tuy nhiên, hiện nay các TCTD vẫn đi theo chỉ đạo của NHNN là cố gắng giữ mặt bằng lãi suất cho vay. Ông Hùng cho rằng lãi suất cho vay có thể điều chỉnh nhưng tốc độ phù hợp và mặt bằng lãi suất cho vay không thể tăng vượt lãi suất huy động.
Ông Hùng cho biết các ngân hàng hiện nay đều cố gắng tiết giảm chi phí, đồng thời hoạt động ngân hàng đang chuyển đổi công nghệ 4.0 nên lượng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng được tăng trưởng tương đối lớn so với những năm trước.
"Chúng ta quan niệm đầu vào có thể lãi suất huy động cao nhưng tính ra lãi suất bình quân cũng có thể đưa về mức hợp lý. Vì vậy, các TCTD đưa lãi suất huy động tăng lên, lãi suất cho vay điều chỉnh rất “nhỏ giọt” và trong tầm kiểm soát," đại diện VNBA cho hay.
Bên cạnh đó, chính sách điều hành của NHNN trong thời gian vừa qua về việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cũng cho thấy thanh khoản của các TCTD không chịu áp lực lớn. Do đó, đối với việc cho vay đối với các tổ chức kinh tế, các TCTD sẽ xem xét, cân nhắc và đưa ra mức hợp lý.
Nếu các TCTD đặt vấn đề nâng lãi suất cho vay, điều này sẽ liên quan đến hiệu quả hoạt động của khách hàng và không có hiệu quả thì có dám cho vay hay không. Vì vậy TCTD cần tính toán, cân nhắc làm sao đưa ra lãi suất cho vay phù hợp với “túi tiền” để đảm bảo khách hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Ngân hàng cũng sẽ đảm bảo việc thu hồi nợ và hạn chế nợ xấu.
“Về tốc độ tăng trưởng lãi suất cho vay, tôi cho rằng trong thời gian tới không thể nào cao bằng tốc độ tăng trưởng của lãi suất huy động. Các ngân hàng sẽ đảm bảo giữ được mặt bằng lãi suất chung mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được,” ông Hùng khẳng định.
Trong tất cả mọi biến động hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận thấy tất cả hoạt động đều bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và việc lãi suất tăng lên xuất phát từ nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, các TCTD cũng nên xem xét lại kế hoạch lợi nhuận của mình. Ngân hàng đặt ra kế hoạch lợi nhuận cao nhưng nâng lãi suất cho vay mà khách hàng không có khả năng trả nợ và chi phí lãi vay không đảm bảo bù đắp chi phí khác thì ngân hàng cũng không dám cho vay.
Vì vậy, theo ông Hùng các TCTD cần phải tính toán làm sao cho phù hợp, cần cân đối sao cho dù lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay vẫn cần hợp lý trên cơ sở tiết giảm chi phí.
Ông Hùng cũng cho rằng lúc này TCTD cũng cần đồng cảm và chia sẻ chung với doanh nghiệp, vì vậy, việc tăng lãi suất cho vay tăng cao cùng lãi suất huy động sẽ gây khó khăn cho chính TCTD. Các TCTD cũng đủ khôn ngoan để tính toán sao cho phù hợp, do đó, lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng sẽ không có biến động gì lớn.