Lãi suất âm, Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump trở thành niềm hi vọng trong cuộc chiến chống suy thoái
Hàng loạt ngân hàng trung ương đã tung những gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỉ USD, sử dụng toàn bộ công cụ chống suy thoái của họ để ngăn chặn thứ có thể trở thành đà lao dốc kinh tế tồi tệ nhất thời bình trong 100 năm, theo CNN.
Các chính phủ cũng hành động tương tự với hàng nghìn tỉ USD. Trong bối cảnh tương lai vẫn không chắc chắn, các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì nữa?
Đó là câu hỏi mà nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư đang đặt ra với mức độ cấp bách tăng dần, ngay cả khi tín hiệu phục hồi đã xuất hiện và giá cổ phiếu tiếp tục tăng, một phần nhờ sự hỗ trợ chính sách.
Mấy tuần qua, các ngân hàng trung ương đã triển khai phần lớn những giải pháp mà họ có thể nghĩ tới, còn các nhà lãnh đạo chính trị vẫn đang tranh luận về tình hình trong tương lai. Nhưng giới hoạch định chính sách vẫn còn vài vũ khí nữa.
Một vũ khí là lãi suất âm, giải pháp gây tranh cãi mà châu Âu và Nhật Bản đang áp dụng. Giới quan sát đang chờ xem Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ noi gương châu Âu và Nhật Bản hay không nếu cuộc khủng hoảng hiện nay kéo dài hơn so với dự đoán. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey, tỏ ra sẵn sàng hơn Chủ tịch Jerome Powell của Fed về khả năng áp dụng lãi suất âm.
"Sự cần thiết của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế sẽ khiến những cuộc thảo luận về áp dụng lãi suất âm tiếp tục diễn ra", James Smith, nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về thị trường phát triển của ING, bình luận với khách hàng sau khi Ngân hàng Trung ương Anh thông báo hồi tuần trước rằng họ sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu, song vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức 0,1%.
Về lí thuyết, lãi suất âm khiến ngân hàng thương mại phải trả phí nếu họ chuyển tiền sang ngân hàng trung ương nhằm khuyến khích hoạt động cho vay. Song những người phê phán nhấn mạnh rằng lãi suất âm gây thiệt hại cho người gửi tiền tiết kiệm và ngân hàng thương mại nên có thể nó sẽ không tạo nên tác động tích cực khi mà lãi suất cơ bản đã gần mức 0.
Một ý tưởng khác là Fed có thể giảm lãi suất đối với những khoản vay dành cho các chính quyền bang và địa phương, tăng thời hạn trả nợ của các khoản vay và nới lỏng các điều kiện vay ở các hạt và thành phố. Đó là ý kiến của ông Josh Bivens, giám đốc nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế ở Mỹ.
Giới phân tích nhận định những gói kích thích kinh tế mới sẽ tiếp tục ra đời. Các nhà kinh tế và giới quan sát thị trường coi triển khai những gói kích thích kinh tế là giải pháp cần thiết.
"Fed có thể thực thi vài giải pháp nữa, song những công cụ mà họ sở hữu quá yếu để tạo ra sự hỗ trợ hiệu quả đối với các hộ gia đình. Bây giờ, tình hình phụ thuộc vào Quốc hội và Tổng thống Mỹ", Josh Bivens nhận xét.
Nhà Trắng đang lập kế hoạch triển khai một gói kích thích lớn thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, theo Bloomberg, và trị giá của gói có thể lên tới 1.000 tỉ USD. Tuy nhiên, những kế hoạch như thế mới đang ở giai đoạn thai nghén.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 3.000 tỉ USD hồi tháng 5 để cấp ngân sách cho các chính quyền bang và địa phương, phát tiền trực tiếp cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ - vốn chịu sự kiểm soát của đảng Cộng hòa - đã phủ quyết dự luật.
Hồi tuần trước, Goldman Sachs đã tăng mức triển vọng cho kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư này nhấn mạnh rằng nếu Quốc hội Mỹ không thể phê chuẩn vòng giải ngân thứ tư, triển vọng có thể không trở thành hiện thực.