'Kỹ năng lãnh đạo kém cỏi của Mark Zuckerberg đang kéo Facebook đi tới hố sâu thất bại'
Mới đây, đài CNBC đã dẫn lời Bill George, một nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Kinh doanh Harvard và là cựu CEO công ty công nghệ y tế Medtronic, chỉ ra những thiếu sót của Mark Zuckerberg trên cương vị Giám đốc điều hành Meta, điều đang tiếp tục đưa gã khổng lồ công nghệ trượt ra khỏi đường ray.
Nói với CNBC Make It, ông Bill George cho biết: “Tôi nghĩ rằng Facebook sẽ không hoạt động tốt chừng nào anh ấy còn ở đó. Mark Zuckerberg có thể là một trong những lý do khiến nhiều người quay lưng lại với công ty. Anh ấy thực sự đang mất phương hướng".
Ông George đã dành 20 năm qua để nghiên cứu những thất bại của các lãnh đạo. Vị chuyên gia cho rằng những ông chủ - người mất đi niềm tin, giá trị và mục đích lãnh đạo sâu sắc nhất của họ, đặc biệt là ham chạy theo tiền bạc, danh vọng hay quyền lực, chắc chắn sẽ thất bại.
Và sau nhiều thập kỷ nghiên cứu sự sụp đổ của các công ty nổi tiếng, Bill George nói rằng ông nhận thấy những điểm yếu đó có sự tương đồng với Mark Zuckerberg và Meta ngày nay. Tình hình kinh doanh của Meta đang không mấy sáng sủa sau khi ghi nhận lượng người dùng giảm cũng như phải đương đầu với khó khăn trong hoạt động kinh doanh quảng cáo do ảnh hưởng từ chính sách quyền riêng tư của Apple, trong khi đó tham vọng với vũ trụ ảo (metaverse) còn rất mịt mờ.
Vị sếp thích đổ lỗi
Theo chuyên gia Bill George, ông chỉ ra 5 kiểu sếp tồi và Mark Zuckerberg hội tụ ba kiểu trong số đó. Đầu tiên, George nói rằng Mark Zuckerberg là kiểu ông chủ không sẵn sàng thừa nhận hoặc học hỏi từ những sai lầm của họ. Thay vào đó, kiểu sếp này lại hợp lý hóa những sai lầm bằng cách đổ lỗi đó cho người khác.
Hồi tháng 2, Meta đã bị bay màu hơn 232 tỷ USD giá trị thị trường, đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất của bất kỳ cổ phiếu Mỹ nào trong lịch sử. Ở thời điểm đó, Mark Zuckerberg và các giám đốc điều hành đã đổ lỗi cho những thay đổi về chính sách quyền riêng tư của Apple hồi năm ngoái, điều khiến hoạt động quảng cáo của Facebook gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, CEO Meta cho rằng sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok cũng là một yếu tố khiến Facebook sa sút.
Những nguyên nhân trên có thể là một phần cho sự đi xuống của công ty nhưng tham vọng với vũ trụ ảo metarverse của Meta được xem là một canh bạc đầy rủi ro. Bộ phận thực tế ảo của Meta đã báo cáo khoản lỗ hơn 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2021 và 2,8 tỷ USD chỉ riêng trong quý II/2022.
Tuy vậy, Mark Zuckerberg vẫn chưa thừa nhận hoặc chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trước đó, hồi tháng 5, Mark Zuckerberg đã nói trong cuộc họp cổ đông rằng công ty sẽ mất một số tiền "đáng kể" trong 3-5 năm tới và đây được xem là khoản đầu tư vào các công nghệ metaverse.
Người không bao giờ lắng nghe lời khuyên
Theo George, Mark Zuckerberg là một người cô độc, không chịu thiết lập các mối quan hệ thân thiết và né tránh người khác. Những người sếp đó thường không chấp nhận sự giúp đỡ, lời khuyên hoặc lắng nghe và điều này khiến họ dễ mắc sai lầm.
Ở một mức độ nào đó, CEO Meta được biết đến là người tin tưởng vào cảm giác của mình hơn suy nghĩ và đây cũng là một phần trong cách nhà đồng sáng lập Facebook xây dựng Meta thành một gã khổng lồ công nghệ trị giá hàng tỷ đô la.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu khởi nghiệp, Mark còn nhận được lời khuyên từ nhũng người đồng hành. Ví dụ, Roger McNamee, nhà đồng sáng lập Elevation Partners và là nhà đầu tư ban đầu vào Facebook.
Năm 2006, McNamee khuyên Mark Zuckerberg từ chối lời đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD của Yahoo. McNamee sau đó đã ủng hộ Mark Zuckerberg thuê cựu COO Sheryl Sandberg, người cuối cùng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh quảng cáo và hoạt động nội bộ của công ty. Cả hai lần, các quyết định của Zuckerberg đều tuân theo lời khuyên của McNamee và cả hai quyết định đều rất thành công.
Tuy nhiên, khi Meta phát triển, Mark Zuckerberg cuối cùng đã ngừng lắng nghe, McNamee chia sẻ với tờ New Yorker vào năm 2019. Quyết định này có thể dẫn đến ít nhất một hậu quả lớn: Vào năm 2016, McNamee đã cố gắng cảnh báo Zuckerberg về tác động của việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ trên nền tảng của Facebook. CEO Meta được cho là đã bác bỏ cảnh báo, phớt lờ McNamee trong nhiều tháng.
Các cơ quan tình báo Mỹ kể từ đó đã kết luận rằng Facebook là một nền tảng quan trọng trong các nỗ lực can thiệp của Nga.
Người đặt lợi nhuận lên hàng đầu
Theo Bill George, Mark Zuckerberg là một người đặt danh tiếng và tài sản lên trên bất cứ thứ gì khác và vị chuyên gia Harvard cho rằng những kiểu sếp đó không bao giờ thực sự hài lòng với những gì họ có, và sẵn sàng làm những việc cực đoan để đạt được nhiều hơn.
Cụ thể, ông cho rằng Mark Zuckerberg ưu tiên lợi nhuận và tăng trưởng của Meta, ngay cả khi phải trả giá bằng hàng tỷ người dùng của công ty. Đó không phải là một nhận định duy nhất: Công ty của Mark Zuckerberg từ lâu đã vướng vào tranh cãi về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và sức khỏe của người dùng.
Trong một cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal vào năm ngoái, nền tảng Instagram do Meta sở hữu được cho là đang góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dùng, đặc biệt là ở các thiếu nữ tuổi teen. Cuộc điều tra cho thấy ban lãnh đạo Meta đã chủ động chọn cách bỏ qua vấn đề trên, để tránh gây nguy hiểm cho sự tham gia và tăng trưởng của người dùng. George nói rằng quyết định này chỉ ra mong muốn của Mark Zuckerberg là ưu tiên doanh thu hơn bất kỳ thứ gì khác.