|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỳ lân Traveloka 'lặng lẽ' sa thải nhân sự tại nhiều thị trường ở Đông Nam Á

15:02 | 29/03/2023
Chia sẻ
Sau sự rời đi của giám đốc vận hành (COO) Alfan Hendro vào cuối tháng 12/2022, kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) Traveloka được cho là đã có ít nhất hai đợt sa thải tại nhiều thị trường ở Đông Nam Á trong vài tháng qua.

Theo thông tin từ Tech in Asia, Traveloka – một kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) trong lĩnh vực du lịch và đặt phòng khách sạn ở Đông Nam Á đang cắt giảm nhân sự hàng loạt trên khắp thị trường kể từ tháng 1.

Cụ thể, tại Indonesia, trụ sở của kỳ lân này, Traveloka đã thực hiện hai đợt sa thải trong vài tháng qua. Theo thông tin từ Tech in Asia, trong số nhữn người chịu ảnh hưởng từ hai đợt sa thải này của Traveloka có cả một số lãnh đạo cấp cao.

Trong khi đó, tại một thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, kỳ lân Traveloka cũng được cho là đã cắt giảm ít nhất 7 nhân sự, mà phần lớn trong số này là những người đang làm việc ở cấp quản lý.

Dù vậy, theo dữ liệu từ trang mạng xã hội chuyên về việc làm LinkedIn, tổng số nhân sự tại Traveloka hiện không có nhiều thay đổi so với thời điểm tháng 6/2022, vẫn dao động quanh mức 3.100 người. Tính tới ngày 24/3, thời điểm bài viết trên trang Tech in Asia về đợt sa thải của Traveloka được đăng tải, vẫn có tới 75 vị trí tuyển dụng mới được kỳ lân này đăng tuyển, hầu hết được đăng từ tuần trước đó.

Kỳ lân Traveloka được cho là đã có ít nhất hai đợt sa thải nhân sự từ đầu năm 2023. (Ảnh: Traveloka).

Sa thải trong "im lặng"

Tech in Asia cho biết các đợt sa thải tại Traveloka diễn ra sau sự kiện ông Alfan Hendro, giám đốc vận hành (COO) của công ty rời đi vào tháng 12/2022. Traveloka cho tới nay vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về lý do ông Alfan Hendro rời đi cũng như không công bố thông tin về các đợt cắt giảm với nhân viên.

Các nguồn tin cho biết những nhân sự thuộc diện cắt giảm trong các đợt sa thải vừa qua của Traveloka, đặc biệt là ở thị trường quê nhà Indonesia, phần lớn chọn cách giữ im lặng vì họ lo sợ sẽ không nhận được các khoản bồi thường.

Hồi đầu năm, các nhân viên Traveloka đã nhận được thông tin về việc công ty sẽ rà soát và đánh giá lại hiệu quả cũng như năng suất làm việc của toàn bộ công ty. Trong quãng thời gian từ 17/1 đến 27/2, nhân viên Traveloka cũng được yêu cầu làm việc từ xa để giúp quá trình đánh giá diễn ra công bằng hơn.

Dù vậy, các nguồn tin thân cận với vấn đề này đã chia sẻ với Tech in Asia rằng đợt sa thải lần đầu của Traveloka trong năm nay, diễn ra vào cuối tháng 1, không liên quan gì đến đợt đánh giá nhân sự này.

Thực tế, trước khi có thông tin về việc cắt giảm nhân sự này, đã có những luồng tin tức cho rằng kỳ lân trong lĩnh vực du lịch và đặt phòng khách sạn có trụ sở tại Indonesia này sẽ thực hiện việc cắt giảm chi phí như nhiều startup công nghệ hàng đầu khác tại Đông Nam Á như GoTo (công ty mẹ Gojek) hay Sea (công ty mẹ Shopee).

Chẳng hạn, một số người lao động cho biết họ bị giới hạn quyền truy cập vào những công cụ mà trước đó được Traveloka cung cấp. Mặt khác, một số nguồn tin giấu tên cho biết các đợt sa thải gần đây của Traveloka là do công ty đang tìm cách đối phó với tình hình kinh tế ngày càng khó khăn chứ không phải vì năng suất và hiệu quả công việc.

Trước đó, giống như nhiều công ty du lịch khác, Traveloka cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Công ty buộc phải giảm số lượng nhân viên và hoàn trả chi phí đi lại do doanh thu từ du lịch nước ngoài bị đình trệ khi xảy ra đại dịch.

Thực hiện chiến lược sa thải nhân sự trong khi muốn mở rộng sang nhiều lĩnh vực

Động thái sa thải mới nhất của Traveloka diễn ra ngay sau khi công bố về kế hoạch mở rộng sang nhiều lĩnh vực và đặt mục tiêu tăng thị phần tại thị trường Đông Nam Á sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong một bài phỏng vấn với Asia Nikkei trong tháng 3, ông Caesar Indra, chủ tịch Traveloka cho biết dù Indonesia "vẫn chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của" và công ty là "người thống trị" tại thị trường quê nhà, song Traveloka cũng đang tập trung vào các thị trường trong khu vực, đặc biệt là ở Thái Lan và Việt Nam, để mở rộng tăng trưởng.

Bên cạnh đặt chỗ trực tuyến, Traveloka cũng cung cấp các dịch vụ tài chính từ thanh toán kỹ thuật số đến bảo hiểm. Vào năm 2018, công ty đã ra mắt dịch vụ tín dụng kỹ thuật số "mua trước, trả sau" của riêng mình, vì nhiều người Indonesia vẫn chưa có thẻ tín dụng và thanh toán qua ngân hàng vẫn là phương thức thanh toán chính.

Được thành lập như một công cụ tìm kiếm và tổng hợp các chuyến bay tại Indonesia vào năm 2012, Traveloka nhanh chóng chuyển sang cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và khách sạn của riêng mình. Công ty hiện đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á, với hơn 200 hãng hàng không và 1,8 triệu khách sạn được tích hợp trong ứng dụng và cho biết họ có 55 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Doanh Chính