|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình trở thành siêu ứng dụng của Traveloka

11:11 | 13/12/2022
Chia sẻ
Xuất phát điểm là một nền tảng đặt vé máy bay trực tuyến, siêu ứng dụng Traveloka đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau để trở thành một trong những kỳ lân thành công nhất Đông Nam Á hiện tại.

Không thể phủ nhận rằng Traveloka là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất ở thị trường Đông Nam Á và là một trong những kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) đầu tiên trong khu vực này, theo Travel Daily Media.

Công ty khởi nghiệp này cũng có một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất về sự khởi đầu của ba người bạn từ Mỹ trở về Indonesia. Ba nhà sáng lập đã thành lập Traveloka vào năm 2012 và trong khoảng thời gian 10 năm, công ty này đã đạt được hết cột mốc quan trọng này đến cột mốc quan trọng khác.

Ý tưởng hình thành Traveloka

Ý tưởng về Traveloka nảy sinh khi Ferry Unardi, đồng sáng lập kiêm CEO, thường xuyên gặp khó khăn trong việc đặt chỗ máy bay, đặc biệt khi ông muốn từ Mỹ trở về quê hương Padang, Indonesia.

Ban đầu, Traveloka được thành lập vào năm 2012 bởi bộ ba nhà đồng sáng lập trở về từ Mỹ gồm Derianto Kusuma, Ferry Unardi và Albert Zhang. Tại thời điểm sáng lập, cả ba người đều không nghĩ rằng Traveloka có thể phát triển và trở thành một trong những kỳ lân thành công nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhà đồng sáng lập Traveloka Ferry Unardi. (Ảnh: Bali Discovery).

Thời điểm đầu, Traveloka được định vị như một công cụ tìm kiếm để so sánh giá vé máy bay từ nhiều trang web khác nhau. Sau đó, tới năm 2013, Traveloka đã có bước chuyển mình khi trở thành một trang web đặt vé máy bay, nơi người dùng có thể đặt vé trên trang web chính thức của Traveloka.

Theo dữ liệu từ Crunchbase, tính tới tháng 9/2022, Traveloka đã trải qua tổng cộng 8 vòng gọi vốn với tổng cộng nguồn vốn kêu gọi thành công là 1,5 tỷ USD. Một số nhà đầu tư nổi tiếng từng rót vốn vào Traveloka có thể kể tới BlackRock, Allianz Global Investors, Orion Capital Asia, PTT Oil and Retail Business Public Company,…

Dannis Muhammad, giám đốc tiếp thị của Traveloka, từng chia sẻ rằng Traveloka coi trọng các đối tác như khách hàng của mình bởi vì nếu không có họ, Traveloka không có gì để bán. Trong một bài thuyết trình, Traveloka tuyên bố rằng công ty hợp tác với hơn 100 hãng hàng không, 450.000 khách sạn, hơn 400 công ty cho thuê xe hơi ở Indonesia và hơn 4.000 điểm tham quan và nhà cung cấp hoạt động.

Muhammad tiết lộ rằng Traveloka đầu tư 80% vào nghiên cứu chuyên sâu. Chẳng hạn, trong vòng gọi vốn thành công 420 triệu USD do GIC và các nhà đầu tư trước đó dẫn đầu, Traveloka sẽ sử dụng số vốn mới để mở rộng sang các hoạt động du lịch “như hòa nhạc hoặc công viên giải trí”.

Giải quyết mọi nhu cầu về du lịch của khách hàng

Tất cả các sản phẩm của Traveloka nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải, từ việc tra cứu lộ trình xe buýt và xe đưa đón, chuyến bay, nạp tiền và gói dữ liệu, đưa đón tại sân bay, khách sạn, ăn uống, thuê ô tô, điểm tham quan và hoạt động, phim ảnh và tàu hỏa.

Siêu ứng dụng Traveloka phục vụ tất cả nhu cầu của người đi du lịch. (Ảnh: The Jakarta Post).

Rất nhiều công ty mong muốn trở thành nơi duy nhất cung cấp các sản phẩm du lịch. Một số công ty quản lý du lịch tuyên bố rằng họ có thể cung cấp một giải pháp duy nhất cho các nhà quản lý du lịch và khách du lịch của công ty, nhưng nhiều người dùng vẫn phải sử dụng thêm các công cụ khác.

Nhà cung cấp dịch vụ quản lý chi phí và du lịch KDS đã tiến hành một cuộc khảo sát và tiết lộ rằng 74% số người được hỏi muốn có một nền tảng đáp ứng mọi nhu cầu du lịch của họ, từ các chuyến bay đến khách sạn đến các chuyến tham quan. Traveloka đặt mục tiêu tăng cường mở rộng danh mục sản phẩm cung cấp để giải quyết mọi vấn đề khó khăn của khách du lịch. Đó là nền tảng cho sự ra đời của một “siêu ứng dụng” thành công bậc nhất tại Đông Nam Á.

Mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, làm nóng cuộc đua siêu ứng dụng

Xuất phát điểm là một ứng dụng đặt vé máy bay, song Traveloka đã từng bước chuyển mình để trở thành một siêu ứng dụng. Chẳng hạn, đến năm 2014, hai năm sau khi ứng dụng Traveloka ra mắt, công ty đã mở rộng sang dịch vụ đặt phòng khách sạn thay vì chỉ đặt vé máy bay trực tuyến như trước.

Tới năm 2021, thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát và hoành hành trên khắp Đông Nam Á, chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh của Traveloka càng được thể hiện rõ hơn. Traveloka mở rộng sang lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) từ Indonesia sang Thái Lan và Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Traveloka đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào năm 2020.

Thời điểm đó, giống như những siêu ứng dụng khác trong khu vực Đông Nam Á là Grab và Gojek, Traveloka đã bắt đầu chuyển hướng sang các mảng kinh doanh khác để đa dạng hóa nguồn thu. Điều này sẽ giúp Traveloka tăng sức hút với các nhà đầu tư trên thị trường, theo Kapron Asia.

Traveloka đã cung cấp một bộ dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở Indonesia, với các dịch vụ “mua trước, trả sau” (BNPL). Công ty đã ra mắt BNPL để cho phép khách hàng có ngân sách du lịch hạn chế đặt trước các chuyến đi xa hơn. Trước đây, nhiều người trong số họ đã đợi đến ngày lĩnh lương để đặt chuyến du lịch. Một chiến lược tương tự có thể được sử dụng ở Thái Lan và Việt Nam.

Đồng thời, Traveloka có thể nhảy vào cuộc chơi ngân hàng số tại thị trường quê nhà Indonesia. Caesar Indra, chủ tịch của công ty, đã nói với Reuters vào tháng 2/2021 khi trả lời câu hỏi về việc liệu Traveloka có thể mua một ngân hàng Indonesia hay không rằng "tất cả các lựa chọn đều đã được cân nhắc".

Khả năng kết hợp các dịch vụ du lịch và ngân hàng kỹ thuật số sẽ mang lại cho Traveloka một điểm bán hàng độc nhất trong một thị trường cực kỳ cạnh tranh, nơi Grab, Gojek và Sea đang cạnh tranh quyết liệt để giành lợi thế của người đi trước.

Traveloka mở rộng sang lĩnh vực gọi xe. (Ảnh: The Jakarta Post).

Đầu năm 2022, theo The Jakarta Post, kỳ lân công nghệ của Indonesia đã mở rộng sang lĩnh vực gọi xe như một phần trong kế hoạch trở thành nền tảng kỹ thuật số toàn diện, qua đó làm nóng cuộc đua “siêu ứng dụng” ở Đông Nam Á.

Kỳ lân có mức định giá 3 tỷ USD vào đầu năm nay đã ra mắt tính năng QuickRide, cho phép người dùng ở 16 thành phố tại Indonesia đặt taxi từ nhà cung cấp dịch vụ taxi địa phương được niêm yết công khai Bluebird.

Iko Putra, Giám đốc điều hành mảng vận tải của Traveloka, cho biết công ty đã tung ra tính năng mới này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với dịch vụ gọi xe theo yêu cầu.

Với tiềm lực vốn có, Traveloka đã có mặt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và Việt Nam. Theo trang chủ Traveloka, Traveloka đã được tải xuống hơn 100 triệu lần, trở thành ứng dụng du lịch và tiện ích sống phổ biến nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Anh Nguyễn