OTA ngoại 'áp đảo' các doanh nghiệp nội trên thị trường đại lý du lịch trực tuyến Việt Nam
Mới đây, The Outbox Company đã công bố bảng xếp hạng về các thương hiệu trong ngành du lịch dựa trên mức độ yêu thích và nhận biết của du khách Việt Nam trong quý I, trong đó có bảng xếp hạng về top 5 đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA) được yêu thích nhất.
Theo đó, top 5 OTA được du khách Việt Nam yêu thích nhất trong quý I, theo bảng xếp hạng của The Outbox Company lần lượt là Traveloka, Booking.com, Agoda, Expedia và Trip.com Đáng nói, đây đều là các đại lý du lịch trực tuyến có trụ sở tại nước ngoài.
Chẳng hạn, Traveloka là một kỳ lân (startup có trị giá 1 tỷ USD trở lên) có trụ sở tại Indonesia, trong khi Booking.com là một trang web du lịch trực tuyến có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan. Tương tự, Agoda là công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho khách sạn có trụ sở chính tại Singapore; Expedia sở hữu và vận hành các công cụ tổng hợp giá vé du lịch và công cụ tìm kiếm siêu dữ liệu có trụ sở tại Mỹ còn Trip.com là đại lý du lịch trực tuyến quốc tế thuộc sở hữu của Tập đoàn Trip.com có trụ sở tại Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy các OTA ngoại đang nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch tại Việt Nam hơn các ứng dụng nội. Thực tế, nhìn một cách rộng hơn, các OTA ngoại từ trước tới nay đều đứng ở vị trí cao trên thị trường OTA tại Việt Nam.
Theo dữ liệu từ Statista, tính đến tháng 11/2020, phần lớn OTA hàng đầu tại Việt Nam đều có trụ sở tại nước ngoài. Trong đó, OTA dẫn dầu là Booking.com. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Agoda, Traveloka, Trivago, TripAdvisor, Airbnb,… Chỉ duy nhất một OTA có trụ sở tại Việt Nam là Tugo có tên trong bảng xếp hạng do Statista công bố, song chỉ chiếm tỷ lệ 4%, nhỏ hơn rất nhiều so với các OTA có trụ sở tại nước ngoài.
Tương tự, theo kết quả một cuộc khảo sát được Q&Me công bố vào năm 2021, Traveloka là OTA được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam, chiếm 42%. Đứng ở các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lần lượt là Agoda.com (39%) và Booking.com (38%).
Theo dữ liệu từ Statista, quy mô thị trường của lĩnh vực đại lý du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2020 đạt mức 432,14 tỷ USD. Tại Việt Nam, quy mô của thị trường OTA tính theo tổng giá trị hàng hóa vào năm 2020 đạt mức 3 tỷ USD, ngang với Indonesia trong khu vực, và chỉ đứng sau Thái Lan (4 tỷ USD).
Một cuộc khảo sát với 2.614 người Việt Nam được thực hiện vào tháng 11/2020 cho thấy 60% người được hỏi biết và sử dụng đại lý du lịch trực tuyến, 32% không sử dụng và 8% không biết loại dịch vụ này là gì. Trong số những người biết về các đại lý du lịch trực tuyến, có tới 40% người dùng đặt vé trực tuyến tại Việt Nam đi du lịch ít nhất ba lần/năm, 39% đi du lịch hai lần/năm và 21% đi du lịch hai lần/năm.
So với thập kỷ trước, xu hướng tiêu dùng du lịch của Việt Nam đã thay đổi đáng kể nhờ công nghệ số. Phương thức thanh toán chuyển đổi từ tiền mặt sang trực tuyến (thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, ví điện tử,…) đã trở nên phổ biến hơn. Bên cạnh đó, dịch vụ đặt phòng, vé máy bay, khách sạn,… qua ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng tăng đáng kể, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển của các OTA, bao gồm các OTA ngoại.
OTA ngoại nắm nhiều lợi thế
Theo báo cáo từ Market Report, các OTA đang dẫn đầu thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam hầu hết là các thương hiệu nước ngoài. Các OTA Việt như VNTrip, Vinabooking, My Tour, Chudu24, Ivivu, Vietravel, Saigontourist,… tỏ ra kém nổi bật hơn.
Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka, Expedia… chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam. Phần lớn du khách quốc tế và không ít du khách nội địa đều sử dụng dịch vụ của OTA nước ngoài. Các OTA Việt Nam vì thế chỉ có lượng giao dịch khiêm tốn.
Nhiều khách sạn lớn cho biết, tỷ lệ đặt phòng từ kênh OTA chiếm 40 - 60% tổng doanh thu, chủ yếu là OTA nước ngoài. Đơn cử, tại Khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM), hơn 35% tổng doanh số bán phòng đến từ kinh doanh trực tuyến, trong đó kênh OTA chiếm hơn 40%.
Một trong những nguyên nhân khiến OTA Việt khó cạnh tranh với các OTA ngoại là vì những OTA ngoại thường đi trước doanh nghiệp Việt Nam khoảng 20 năm kinh nghiệm về giao dịch trực tuyến, hoạt động trên quy mô toàn cầu, đã xây dựng được thương hiệu, uy tín vững chắc, cùng với tiềm lực tài chính mạnh. Chưa kể đến là tâm lý "sính ngoại" của người dùng.
Khi liên kết hoạt động tại Việt Nam, các sàn giao dịch trực tuyến nước ngoài chưa bị ràng buộc bởi quy định về thuế nên họ tiếp tục có thêm năng lực tài chính để đầu tư tiếp thị, quảng cáo, gia tăng chiết khấu cho đối tác, tạo ưu thế cạnh tranh. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang "ngóng" chính sách hỗ trợ về vốn, định hướng quy hoạch phát triển...
Một nguyên nhân khác, theo ông Bùi Thanh Hiếu, Giám đốc điều hành Mytour.vn, mặc dù, hiện nay, gần như tất cả các doanh nghiệp du lịch đều quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh.
Tuy nhiên, thực sự ứng dụng CNTT trong đại đa số các doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/