Hành trình trở thành siêu ứng dụng 'WeChat Đông Nam Á' của kỳ lân Gojek
Mới đây, trang Tech Wire Asia đã chỉ tên ba “siêu ứng dụng” (super app) hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trong đó có đề cập tới kỳ lân công nghệ Gojek của Indonesia. Cùng với những Grab và Air Asia, Gojek đang từng bước khẳng định được vị thế của công ty trên thị trường Đông Nam Á khi mở rộng từ quê nhà Indonesia ra nhiều nước khác trong khu vực.
Kỳ lân công nghệ của Indonesia
Gojek được thành lập vào năm 2010 với vai trò là trung tâm hỗ trợ tối ưu hóa dịch vụ taxi, xe máy (ojeks) tại Indonesia. Ojeks, cho đến ngày nay, vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Indonesia. Gojek bắt đầu với đội ngũ chỉ 20 xe ôm, cùng với niềm tin rằng những người lái xe này có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ chuyên chở khách hàng.
Người sáng lập Gojek là ông Nadiem Makarim, sinh năm 1984 và từng nhận bằng cử nhân xuất sắc của đại học Brown cũng như bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của trường đại học danh tiếng Harvard.
Với tôn chỉ sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của người dùng, ứng dụng Gojek đã được ra mắt tại Indonesia vào tháng 1/2015, cung cấp các dịch vụ gọi xe máy (GoRide), chuyển phát nhanh (GoSend) và mua sắm cá nhân (GoMart).
Theo trang chủ Gojek, ngày nay, “siêu ứng dụng” của Indonesia đã có hơn 20 dịch vụ, kết nối hơn 170 triệu người dùng trong khu vực với hơn 2 triệu đối tác tài xế và khoảng 500.000 người bán hàng trên GoFood.
Với những hiểu biết và kinh nghiệm có được từ việc trở thành người tiên phong và dẫn đầu tại Indonesia, Gojek đã thành công trong việc mở rộng quy mô kinh doanh của mình trên 5 quốc gia ở Đông Nam Á.
Gojek bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Việt Nam vào năm 2018, với thương hiệu GoViet. Theo Gojek, cách tiếp cận siêu địa phương này đã giúp công ty hiểu hơn về những nhu cầu riêng của người dùng Việt Nam. Từ năm 2020, GoViet đã hợp nhất với Gojek để đổi mới hiệu quả hơn trên quy mô lớn và tạo ra các giải pháp tích hợp hơn cho các vấn đề hàng ngày của cuộc sống.
Theo dữ liệu từ Crunchbase, tính đến tháng 5/2021, Gojek đã thực hiện thành công 13 vòng gọi vốn khác nhau, với tổng số vốn huy động được lên tới 5,3 tỷ USD. Trong đó, vòng gọi vốn Series E vào tháng 2/2018 là vòng gọi vốn có nhiều nhà đầu tư tham gia nhất với tổng cộng 11 đơn vị.
Có rất nhiều nhà đầu tư nổi tiếng từng rót vốn cho công ty của Indonesia, có thể kể tới như Meta (công ty mẹ Facebook), Golden Gate Ventures, PayPal, Visa, Mitsubishi Motors, Google, Tencent,…
Theo dữ liệu từ CB Insights, năm 2016, sau khi ứng dụng đạt 7,5 triệu lượt tải, Gojek đã được định giá 1,8 tỷ USD, qua đó chính thức trở thành “kỳ lân” (những startup có mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên) của Indonesia.
Bước hợp nhất với Tokopedia chưa đem lại kết quả như kỳ vọng
Ngày 17/5/2021, hai startup lớn nhất Indonesia, Gojek và Tokopedia, chính thức công bố sẽ hợp nhất. Với động thái này, pháp nhân sau sáp nhập sẽ tạo ra một trong những công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á và phục vụ nhiều dịch vụ khác nhau từ gọi xe, thanh toán số tới thương mại điện tử. Theo Nikkei, pháp nhân sau sáp nhập sẽ mang tên gọi GoTo Group.
Trước đó, đầu năm 2021, Gojek và Tokopedia đã bắt đầu đàm phán về khả năng hợp nhất. Đàm phán được đẩy mạnh hơn vào tháng 4 khi Gojek và Tokopedia cùng xin ý kiến chấp thuận từ các cổ đông của mình. Đáng chú ý, Gojek và Tokopedia có chung hai cổ đông lớn là Google và Temasek.
Thương vụ hợp nhất giữa hai trong số những “kỳ lân” lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó đã đem lại một tương lai đầy hứa hẹn đối với Gojek. Thậm chí, nhiều chuyên gia tin rằng động thái này có thể giúp Gojek vượt lên so với Grab trên thị trường gọi xe trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, thương vụ hợp nhất này chưa đem lại kết quả như nhiều người mong đợi. Theo Asia Nikkei, GoTo ghi nhận lỗ ròng lên tới 21.400 tỷ rupiah (1,47 tỷ USD) trong năm 2021. Thậm chí, lợi nhuận âm cũng “tràn” sang cả 3 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, doanh thu thuần trong năm 2021 được ghi nhận ở mức 4.500 tỷ rupiah, tăng 36% so với con số ước tính của năm 2020. Trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của GoTo tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1.500 tỷ rupiah.
Trong 3 tháng đầu năm nay, GoTo ghi nhận lỗ ròng 6.500 tỷ rupiah, lớn hơn rất nhiều so với khoản lỗ 1.800 tỷ rupiah ước tính cho cùng kỳ năm ngoái. Mới nhất, GoTo cũng đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 với khoản lỗ ròng 14.170 tỷ rupiah (955 triệu USD), cao hơn gấp đôi khoản lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi doanh thu đã tăng 32%.
Mặc dù vẫn lỗ, Jacky Lo, Giám đốc tài chính GoTo, nói rằng công ty “hài lòng với động lực tăng trưởng bền vững đã đạt được trong năm 2021 bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra”.
"WeChat" của Đông Nam Á
Theo Tech in Asia, con đường trở thành siêu ứng dụng của Gojek khác biệt rõ ràng so với siêu ứng dụng của Trung Quốc.
Đầu tiên, con đường dẫn tới thành công của Gojek phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực gọi xe. Công ty đã đáp ứng đã đáp ứng nhu cầu đặc biệt của một quốc gia phụ thuộc vào ojeks, một điều sẽ khó khăn hơn nhiều trong môi trường cạnh tranh không phụ thuộc quá nhiều vào ojeks như ở Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Gojek cũng không quá chú trọng đến các dịch vụ truyền thông xã hội, trái ngược hoàn toàn với WeChat, đơn vị tập trung vào các khả năng như vậy, tận dụng nhu cầu riêng biệt về một nền tảng truyền thông xã hội được hỗ trợ tốt và được chấp nhận rộng rãi ở Trung Quốc.
Với con đường này, Gojek được cho là đã tạo ra một lượng khách hàng lớn hơn, bao gồm cả phân khúc tuổi từ 35 đến 64 sở hữu điện thoại thông minh nhưng không nhất thiết phải sử dụng mạng xã hội.
Cuối cùng, trước khi hợp nhất với Tokopedia, Gojek không có công ty mẹ với nhiều điều khoản đầu tư vào các lĩnh vực khác. Điều này dẫn tới sự khác biệt đáng kể về khả năng tiếp cận và mở rộng ra toàn cầu.
Bất chấp những điểm khác biệt này, Gojek vẫn có nhiều điểm tương đồng so với siêu ứng dụng của Trung Quốc. Điểm đầu tiên phải kể đến việc cả hai đều tập trung vào những ngành có ít đối thủ cạnh tranh ở giai đoạn đầu phát triển doanh nghiệp. Mặc dù đều là siêu ứng dụng, song mỗi ngành đều tập trung vào một sản phẩm duy nhất. Thông qua chiến lược này, WeChat và Gojek có thể phát triển theo cấp số nhân.
Những điểm tương đồng này kéo dài tới khả năng mở rộng của cả hai siêu ứng dụng. WeChat quyết định mở rộng sang phương tiện truyền thông xã hội thông qua “Moments”, thanh toán di động WePay và cả công cụ tìm kiếm. Tương tự, Gojek đã mở rộng sang dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, giao đồ ăn,… Chính những điểm tương đồng này là lý do khiến Tech Wire Asia ví Gojek giống như “WeChat của Đông Nam Á”.