Từng tự tin với lối đi riêng, đặt mục tiêu cạnh tranh với cả Grab lẫn Gojek, FastGo đang nằm ở đâu trên thị trường gọi xe?
Cuộc đua của thị trường gọi xe chưa bao giờ dừng lại buộc các hãng liên tục thay đổi các chính sách để đáp ứng với thời cuộc, đồng thời sự phân định thị trường ngày càng rõ nét. Số liệu của Statista năm 2020 cho thấy tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe Việt Nam Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%.
Từng góp mặt trên thị trường với xuất phát tương đối ấn tượng, thậm chí còn đứng thứ hai trên thị trường, ứng dụng gọi xe của người Việt FastGo dường như đang ngày càng lu mờ trong cuộc đua khốc liệt đó.
FastGo - ứng dụng gọi xe thuộc CTCP FastGo Việt Nam trực thuộc tập đoàn NextTech của Shark Bình chính thức được ra mắt tại thị trường Việt Nam vào năm 2018 với nhiều kỳ vọng.
Thời điểm mới ra mắt, FastGo cam kết đem lại cơ hội việc làm, thu nhập tốt song song với những chương trình phúc lợi đặc biệt dành cho đối tác. Cụ thể, FastGo sẽ không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ % mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.
Chỉ sau ba tháng ra mắt thị trường, FastGo đã nhanh chóng trở thành ứng dụng gọi xe của Việt Nam có phạm vi hoạt động lớn nhất và đứng thứ hai trên thị trường dịch vụ gọi xe công nghệ.
Vào thời điểm mới ra mắt thị trường, FastGo kỳ vọng sẽ có khoảng 20.000 tài xế trong hai năm tiếp theo. Dù vậy, chỉ sau 6 tháng ra mắt, ứng dụng của CTCP FastGo Việt Nam đã có tới 40.000 tài xế, có mặt ở 10 tỉnh thành phố trên cả nước.
Thậm chí tới cuối năm, ứng dụng này đã tiến sang thị trường Myanmar, qua đó chính thức mở rộng hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau hai tháng hoạt động tại thị trường này, ban lãnh đạo công ty cho biết FastGo đã có 100.000 khách hàng sử dụng cùng hơn 4.000 tài xế tại Myanmar.
Không lựa chọn lối đi "đốt tiền"
Khác với những ông lớn trong ngành, FastGo không lựa chọn hướng đi "đốt tiền" nhưng vẫn làm ra lợi nhuận. Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo Việt Nam, từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về quan điểm này:
“Cuộc đua này khi nào sẽ kết thúc? Chưa có dự đoán bao giờ kết thúc được, vì không có rào cản nào cho người mới gia nhập (ví dụ Vingroup). Sau WeWork/Uber/Lyft, khả năng IPO sẽ khó khăn hơn cho các mô hình này.
Grab không IPO sẽ phải trả Uber 2 tỷ USD, Be sẽ phải raise tiếp 100 - 200 triệu USD nữa để đuổi theo Grab, FastGo đã chọn con đường riêng (hướng tới có lãi) nên không phải đánh nhau với ai nữa cả".
Mặc dù vậy, con đường này dường như không phát huy hiệu quả vào thời điểm đó. Thậm chí, ngay ở thị trường nội địa, FastGo cũng chưa thể cạnh tranh với Grab, Be hay Gojek.
Theo báo cáo của ABI Research về thị trường gọi xe công nghệ Việt nửa đầu năm 2020 cho thấy FastGo xếp ngay sau ba "ông lớn" kể trên ở vị trí thứ tư. Tuy nhiên thị phần của hãng gọi xe gốc Việt này vẫn chưa tới 1%, trong khi Grab chiếm gần 3/4 còn cả Be và Gojek đều có trong tay hơn 10%.
FastGo cũng từng có kế hoạch triển khai dự án đưa đón khách sân bay. Tuy nhiên sau đó không rõ lý do gì hãng gọi xe đã ngừng kinh doanh mô hình này.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch học viện MVV, đồng thời cũng là một trong những nhà đầu tư vào FastGo đã từng chia sẻ về ứng dụng này bên lề sự kiện TechFest năm 2020.
“Khi tôi đầu tư vào FastGo, tôi rất thích ý tưởng tại sao mình không thể canh trạnh với các đối thủ ngoại, trong khi tôi tin công nghệ của người Việt Nam không hề thua kém. Tuy nhiên phải thừa nhận đó là cuộc chơi tốn tiền. Đây không phải cuộc chơi công nghệ mà là cuộc chơi về tài chính. Và tài chính thì mình không thể cạnh tranh được với họ”, chủ tịch học viện MVV thừa nhận.
Vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên cả nước trong năm 2021, trên Fanpage của mình, FastGo chia sẻ nhiều bài viết về dự án mới mang tên XeGo. Theo tìm hiểu, XeGo là ứng dụng kết nối cho thuê xe tự lái và fanpage của dự án này được lập từ tháng 4/2021.
Cụ thể, trong khi các đối thủ như Grab, Gojek hay Be đã có những ứng dụng đi chợ hộ hoặc giao đồ ăn, có thể triển khai trong mùa dịch, thì FastGo lại chưa có vào thời điểm đó. Chính vì thế, với hạ tầng công nghệ của một ứng dụng kết nối khách có nhu cầu di chuyển, sau cùng FastGo lựa chọn mảng kết nối thuê xe tự lái để tấn công.
Đương nhiên, trong giai đoạn thực hiện các lệnh giãn cách xã hội, thị trường kết nối thuê xe tự lái cũng sẽ gặp khó khăn. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch đã dần được kiểm soát, mảng kinh doanh này có khả năng sẽ đạt được những bước tiến mới hơn.
Trên kho ứng dụng AppStore của Apple, phiên bản cập nhật gần nhất của ứng dụng FastGo đã từ một năm trước và nhận được đánh giá điêm trung bình là 3,6 sao. Trong khi đó, ứng dụng XeGo đang được người dùng đánh giá điểm trung bình khoảng 3,8 sao.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/