|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mảng gọi xe đóng băng, FastGo âm thầm chuyển sang cho thuê xe tự lái nhưng liệu đây có phải là đại dương xanh cho ứng dụng gốc Việt?

16:26 | 14/09/2021
Chia sẻ
FastGo đang có dấu hiệu chuyển dịch sang kinh doanh thuê xe tự lái khi mảng gọi xe công nghệ vẫn chịu tác động lớn từ các chỉ thị chống dịch.

Từ gọi xe công nghệ tới kết nối thuê xe tự lái

Những năm 2018-2019 là giai đoạn bùng nổ của các app gọi xe tại Việt Nam với hàng loạt cái tên xuất hiện trên thị trường. Từ các app đến từ nước ngoài cho đến các app gốc Việt, tất cả đều muốn chiếm lấy một phần của miếng bánh. 

FastGo là một trong những ứng dụng gọi xe cũng được nhắc đến nhiều trong thời điểm đó, bởi vốn là một ứng dụng gốc Việt (thuộc NextTech của Shark Nguyễn Hòa Bình), nhưng lại có tham vọng tấn công sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên ngay tại thị trường nội, FastGo vẫn chưa thể cạnh tranh được so với Grab, Be hay Gojek. Theo báo cáo của ABI Research về thị trường gọi xe công nghệ Việt nửa đầu năm 2020 cho thấy FastGo xếp ngay sau ba "ông lớn" kể trên ở vị trí thứ tư. Tuy nhiên thị phần của hãng gọi xe gốc Việt này vẫn chưa tới 1%, trong khi Grab chiếm gần 3/4 còn cả Be và Gojek đều có trong tay hơn 10%.

FastGo cũng từng có kế hoạch triển khai dự án đưa đón khách sân bay. Tuy nhiên sau đó không rõ lý do gì hãng gọi xe đã ngừng kinh doanh mô hình này.

Mảng gọi xe đóng băng, FastGo âm thầm chuyển sang cho thuê xe tự lái nhưng liệu đây có phải là đại dương xanh cho ứng dụng gốc Việt? - Ảnh 1.

FastGo với xuất phát điểm là một ứng dụng gọi xe. (Ảnh: BrandsVietnam).

Mới đây, trên Fanpage của mình, FastGo chia sẻ nhiều bài viết về dự án mới mang tên XeGo. Theo tìm hiểu, XeGo là ứng dụng kết nối cho thuê xe tự lái và fanpage của dự án này được lập từ tháng 4/2021. 

Trên thực tế ở thời điểm hiện tại khi dịch bệnh vẫn đang tồn tại và cả Hà Nội lẫn TP HCM đều đang có chính sách thắt chặt hoạt động của shipper và xe ôm công nghệ. Những ứng dụng gọi xe công nghệ đều sẽ gặp phải những vấn đề khác nhau. Do đó, việc chuyển hướng sang kết nối cho thuê xe tự lái có thể là một giải pháp thích hợp hơn để tận dụng các tài nguyên về công nghệ có sẵn của FastGo.

Ở đợt dịch đầu tiên năm 2020, cũng có khoảng thời gian các ứng dụng gọi xe công nghệ bị cấm hoạt động ở các thành phố lớn. Trong khi đó, phương tiện cá nhân không bị cấm, nên dịch vụ thuê xe tự lái vẫn có thể hoạt động trong giai đoạn giãn cách, miễn là tuân thủ các quy định chống dịch.

Thị trường đóng băng khi dịch bệnh bùng phát đặt ra một câu hỏi cho tất cả các doanh nghiệp rằng liệu cần phải thay đổi những gì để trước hết là tồn tại, sau đó là phát triển. Những "người chơi" trên thị trường gọi xe công nghệ đều phải tìm cách tận dụng tối đa năng lực để tạo ra giá trị.

Grab và Be đều nhanh chân làm việc với chính quyền nơi có dịch để dần triển khai "đi chợ hộ" giúp người dân. Trên thực tế, cả GrabMart lẫn Be đi chợ hộ đều là các dịch vụ được triển khai trước khi đợt dịch thứ 4 nổ ra. Nhưng việc các quận, thành phố thí điểm dịch vụ đi chợ hộ trên app giúp các ứng dụng có thêm một lượng khách hàng mới.

Trong khi đó, ngay giữa mùa dịch Gojek Việt Nam cũng ra mắt gọi xe 4 bánh GoCar. Dù được đồn đoán nhiều từ vài tháng trước, nhưng phải tới tháng 8 năm nay, GoCar mới đi vào hoạt động và bắt đầu tại TP HCM.

Dẫu vậy, khi hoạt động gọi xe chưa trở lại, GoCar cũng sẵn sàng sử dụng đội xe 50 chiếc đầu tiên để đưa đón phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu, trước khi đi vào hoạt động thương mại khi dịch bệnh qua đi.

So với đối thủ, FastGo chưa có dịch vụ đi chợ hộ hay giao đồ ăn. Chính vì thế, với hạ tầng công nghệ của một ứng dụng kết nối khách có nhu cầu di chuyển, sau cùng FastGo lựa chọn mảng kết nối thuê xe tự lái để tấn công. Đương nhiên, hiện tại khi việc đi lại gặp khó khăn trong giai đoạn giãn cách, thị trường cũng sẽ gặp khó khăn nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn so với dịch vụ gọi xe công nghệ hiện gần như phải ngừng hoạt động.

Kết nối thuê xe tự lái có phải là "đại dương xanh" đang chờ FastGo?

Với từ khóa "thuê xe tự lái" trên Google, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng chục đến hàng trăm nhà cung cấp khác nhau. Theo anh Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc khối Kinh doanh của Chungxe (một startup thuê xe tự lái), thị trường thuê xe tự lái tại Việt Nam tương đối phân mảnh và đây có thể là một cơ hội kinh doanh.

Mảng gọi xe đóng băng, FastGo âm thầm chuyển sang cho thuê xe tự lái nhưng liệu đây có phải là đại dương xanh cho ứng dụng gốc Việt? - Ảnh 2.

XeGo tự định vị bản thân là ứng dụng thuê xe tự lái lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: XeGo).

Một đặc điểm nữa của ngành kinh doanh này chính là việc không có một chuẩn nhất định nào. Ví dụ như khách sạn thì có chuẩn một sao, hai sao... Chính vì thế, cơ hội sẽ đến với các công ty làm app kết nối nếu xây được chuẩn, đồng thời minh bạch trong việc so sánh giá cả, cũng như giảm bớt thủ tục rườm rà.

Cũng theo chia sẻ của anh Huy, sau hai năm đầu tiên hoạt động (2018-2020), Chungxe đã kết nối thành công 4.000 lượt đặt xe. Đây có thể là một con số tham khảo cho FastGo nếu muốn nhảy vào thị trường này. Dẫu vậy, XeGo (dự án thuê xe tự lái của FastGo) hiện đang tự định vị bản thân là ứng dụng cho thuê xe tự lái lớn nhất Việt Nam.

Trên sóng truyền hình, ông Nguyễn Hòa Bình thường xuyên chia sẻ về hệ sinh thái công nghệ của NextTech. Nhưng với việc FastGo chưa thể cạnh tranh ở mảng gọi xe công nghệ và dần chuyển sang thuê xe tự lái, liệu "hệ sinh thái" mà Shark Bình nhắc đến có thể đưa dự án XeGo của FastGo vượt qua khó khăn và phát triển mạnh hơn sau mùa dịch?

Tiểu Phượng