|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc lội ngược dòng, mức sản xuất của doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao nhất trong gần 10 năm

14:19 | 04/08/2020
Chia sẻ
Sản xuất Trung Quốc tiếp tục hồi phục mạnh trong tháng 7, đạt mức kỉ lục kể từ tháng 1/2011. Song, nhu cầu xuất khẩu yếu cùng áp lực đối với việc làm cho thấy nền kinh tế thứ hai toàn cầu còn phải vượt qua chặng đường dài để quay lại mức sản xuất trước dịch COVID-19.

Số liệu mới nhất về chỉ số quản lí thu mua sản xuất Caixin/Markit (PMI) mà Trung Quốc công bố ngày 3/8 tăng từ 51,2 điểm vào tháng 6 lên 52,8 điểm trong tháng 7, vượt kì vọng của giới phân tích. 

Con số cho thấy sản lượng sản xuất tại các nhà máy nhỏ Trung Quốc đang tăng dần. Theo South China Morning Post, ngưỡng 50 điểm đánh dấu sự thu hẹp với tăng trưởng.

Kinh tế Trung Quốc lội ngược dòng, sản xuất doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao nhất trong gần 10 năm - Ảnh 1.

Sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mốc kỉ lục kể từ tháng 1/2011 bất chấp dịch COVID-19. (Ảnh: SCMP).

Chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc công bố vào ngày 31/7 cho thấy hoạt động sản xuất của các công ty lớn cải thiện nhẹ từ 50,9 lên 51,1 điểm, cho thấy triển vọng lạc quan đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Đồng thời, dữ liệu chính thống từ Tổng Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy chỉ số quản lí thu mua phi sản xuất giảm từ mức 54,4 điểm trong tháng 6 xuống 54,2 điểm trong tháng 7 do số lượng các dự án xây dựng gia tăng bù lại sự tụt dốc trong hoạt động ngành dịch vụ.

Đơn hàng xuất khẩu cản tốc phục hồi của Trung Quốc

3 tháng qua, Trung Quốc liên tục chứng kiến chỉ số PMI Caixin hồi phục, thể hiện sự tương phản rõ rệt với nền kinh tế Mỹ và Châu Âu. Tuần trước, cả hai nền kinh tế lớn này đều báo cáo GDP quí II.

Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, nhận xét: "Chỉ số PMI sản xuất chung Caixin chạm mức 52,8 vào tháng 7, tăng hơn so với mức 51,2 trong tháng trước, thể hiện lĩnh vực sản xuất đang tiếp tục mở rộng giữa giai đoạn phục hồi kinh tế".

Nhìn chung, Wang nhận định sự bùng phát trở lại của dịch ở một số khu vực không làm ảnh hưởng đến xu hướng hồi phục của nền kinh tế sản xuất, vốn đã bắt đầu cải thiện khi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Ông Wang Zhe cho rằng cả hai phía cung và cầu đều duy trì đà tăng mạnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Trung Quốc vẫn cần để tâm đến tình hình yếu kém trong cả thị trường việc làm và nhu cầu từ nước ngoài.

SMCP nhận định cung và cầu tăng nhờ việc nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19 đã làm tê liệt chuỗi sản xuất Trung Quốc từ đầu năm, cho phép nhiều doanh nghiệp sản xuất vận hành lại và thúc đẩy nhu cầu.

Mặt khác, số đơn hàng xuất khẩu mới của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ tục giảm trong tháng 7, cán mức đáy thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại, do nhu cầu tiêu thụ gián đoạn tại thị trường châu Âu và Mỹ.

Thị trường lao động ở Trung Quốc tiếp tục xu hướng sụt giảm từ tháng 6 với mức độ sử dụng lao động giảm tháng thứ 7 liên tiếp, theo số liệu của Caixin.

Kinh tế Trung Quốc lội ngược dòng, sản xuất doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao nhất trong gần 10 năm - Ảnh 2.

Dù sản xuất tăng tốc, Trung Quốc vẫn gặp khó vì nhu cầu từ các thị trường nước ngoài tiếp tục giảm. (Ảnh: SCMP).

Cầu và cung sản xuất tiếp tục phục hồi, song nhu cầu từ nước ngoài còn thấp. Sản lượng và nhu cầu sản xuất gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 7, các chỉ số sản lượng và tổng số đơn hàng mới đều đạt mức cao nhất từ tháng 1/2011 do dịch bệnh phần lớn được kiểm soát, Wang nói.

"Do ảnh hưởng đại dịch ở nước ngoài, số đơn hàng xuất khẩu mới vẫn nằm trong mức giảm tháng thứ 7 liên tiếp. Dù tốc độ giảm chậm lại, nhu cầu ở nước ngoài cản tổng cầu", ông Wang nhận định.

Kinh tế Trung Quốc sẽ về mức tiền COVID-19 vào cuối năm 2020

Từ mức giảm mạnh 6,8% trong quí đầu năm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phục hồi 3,2% trong quí II so với cùng kì năm 2019.

Trước đó Bắc Kinh đã triển khai một loạt các biện pháp kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế, điển hình như phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt, hạ thấp lãi suất cho vay, miễn thuế và nâng tỉ lệ thâm hụt ngân sách lên 3,6% GDP.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc cấp cao của Capital Economics, cho biết dù số liệu PMI chính thức ngày 31/7 chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ đầu quí III, chỉ số Caixin thậm chí còn tô nên bức tranh lạc quan hơn với kết quả cao nhất sau gần một thập kỉ.

"Dữ liệu thống kê phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng các chính sách kích thích đã mở đường cho giai đoạn tăng trưởng theo xu hướng lên trên trong ngành xây dựng và công nghiệp", chuyên gia Pritchard nói.

Ông nhận định trong ngắn hạn, xu hướng này sẽ giúp bù đắp tình hình trì trệ kéo dài trong ngành tiêu dùng và dịch vụ, cho phép toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc quay trở lại xu hướng tiền COVID-19 cuối năm 2020.

Điêu Quân