|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kế hoạch chống Trung Quốc của ông Trump bị đe dọa bởi mâu thuẫn Nhật-Hàn

10:37 | 04/08/2020
Chia sẻ
Tòa án ở Hàn Quốc đang chuẩn bị thanh lí tài sản của một doanh nghiệp Nhật Bản để bồi thường cho những người phải lao động cưỡng bức trong thời chiến. Mối quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ xấu đi đúng lúc chính quyền ông Trump cần thêm sự trợ giúp để đối phó với Trung Quốc.
Kế hoạch chống Trung Quốc của ông Trump bị đe dọa bởi mâu thuẫn Nhật-Hàn - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, hôm 4/8, tòa án quận ở phía đông thành phố Pohang, Hàn Quốc sẽ bắt đầu quá trình tịch thu số cổ phần trị giá 356.000 USD thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Nippon Steel tại liên doanh Nippon Steel – Posco. Quá trình thanh toán sẽ kéo dài tới nhiều tháng do thủ tục pháp lí.

Người phát ngôn Tsuyoshi Yoshizumi cho biết Nippon Steel sẽ ngay lập tức kháng cáo phán quyết của tòa án. Nếu Nippon Steel không kháng cáo trong vòng một tuần, lệnh của tòa án sẽ có hiệu lực và nhiều khả năng sẽ thổi bùng lên căng thẳng Nhật-Hàn. Phía Nhật Bản đã nói rằng bản án này là bất hợp pháp.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải chịu trách nhiệm bồi thường lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên 1910-1945. Kể từ đó, vấn đề bồi thường lao động đã đe dọa kinh tế và các nỗ lực hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xung đột tái bùng phát giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ gây rắc rối cho ông Trump, trong bối cảnh chính quyền của ông đang tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng minh để kiềm chế yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và ngăn cấm công nghệ Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ phản pháo nếu việc thanh lí diễn ra. Hàn Quốc cho biết đã xem xét các biện pháp đối phó để đáp trả.

Phía Nhật Bản nói rằng mọi yêu cầu bồi thường đã được dàn xếp hoàn toàn và đầy đủ theo hiệp định thiết lập quan hệ giữa hai nước năm 1965. Trong khi đó, Hàn Quốc tin rằng một số nạn nhân bị ép buộc lao động không được bồi thường đầy đủ cho nỗi đau về tinh thần.

Chính quyền ông Trump đã ngần ngại phải can thiệp và xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, năm ngoái, Mỹ đã gây áp lực lên Hàn Quốc để cứu vãn hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo của Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Hiệp ước trên được thiết kế để thể hiện năng lực giữa hợp tác giữa hai nước láng giềng nhằm đối phó với các mối đe dọa chung từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Rắc rối

Tái bùng phát xung đột Nhật-Hàn cũng có thể khiến kinh tế Mỹ bị tổn thương. Chính quyền ông Trump đang thúc đẩy việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Mỹ, thậm chí đã công khai ý định tìm kiếm sự trợ giúp từ các quốc gia châu Á để sản xuất hàng hóa thiết yếu. Dĩ nhiên, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nằm trong các toan tính của ông Trump.

Ông Zhao Tong, học giả cấp cao tại Trung tâm Carnegie‑Tsinghua nói rằng căng thẳng Nhật-Hàn có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

"Mối rạn nứt ngày càng rõ rệt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể giúp Trung Quốc duy trì quan hệ tốt đẹp với Hàn Quốc. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều có những mối bất bình đối với Nhật Bản liên quan tới các sự kiện trong quá khứ".

"Ngoài ra, căng thẳng Nhật-Hàn còn giúp đảm bảo rằng liên minh an ninh ba bên Mỹ-Hàn-Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành hiện thực".

Cả Thủ tướng Shinzo Abe lẫn Tổng thống Moon Jae-in đều được người dân ủng hộ khi giữ lập trường cứng rắn với quốc gia láng giềng. Trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ của cả hai vị lãnh đạo đều đang sụt giảm, khả năng một bên chịu nhường bước trước lại càng thấp.

Ngoài các vụ kiện của tòa án về lao động thời chiến tranh, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tranh cãi tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyết định của Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu các linh kiện điện tử quan trọng đối với ngành công nghệ Hàn Quốc.

Giang