Doanh nghiệp Trung Quốc đón đầu làn sóng thương mại điện tử xuyên biên giới
Trong khi thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại trên thế giới nhờ những công ty lớn như Amazon hay Alibaba, thì mua sắm trực tuyến vẫn là một bộ phận không thể thiếu trong doanh thu bán lẻ tổng thể.
Kể cả tại Trung Quốc, nơi việc giao hàng hóa là điều thường thấy trong cuộc sống đô thị, thì doanh số bán hàng online cũng chỉ chiếm khoảng 1/4 doanh số bán lẻ nói chung, theo thông tin từ dữ liệu chính thức.
Tỉ trọng mua sắm trực tuyến trong tổng doanh số bán lẻ dự kiến sẽ còn tăng lên nữa không chỉ tại Trung Quốc mà trên toàn thế giới. Sẽ ngày càng có nhiều công ty tham gia vào nền tảng mua sắm điện tử để bán trực tiếp cho người tiêu dùng hơn là dựa vào các hệ thống phân phối tại gian hàng truyền thống.
Suresh Dalai, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn Alvarez & Marsal chuyên về hoạt động bán lẻ tại Châu Á, cho biết, "Hiện các công ty đang có xu hướng vận chuyển hàng hóa trực tiếp ra khỏi Trung Quốc thông qua các kênh mua sắm kĩ thuật số xuyên biên giới.
Điều này sẽ giúp cải thiện việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh thương mại và căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và các quốc gia khác", ông cho biết.
Một số nền tảng nổi bật về xu hướng vận chuyển xuyên biên giới có thể kể đến như AliExpress, Alibaba.com và Globalsources.com. Các nền tảng này đặc biệt hoạt động sôi nổi ở thị trường Đông Nam Á, ông Dalai cho biết.
Chỉ tính riêng Đông Nam Á, nền kinh tế internet của khu vực có 570 triệu dân dự kiến sẽ có mức tăng nhiều hơn gấp ba lần, tới mức 300 tỉ USD, về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025, theo dữ liệu từ một báo cáo có tên "e-Conomy SEA 2019" trên Google, Temasek và Bain, thực hiện trước khi dịch COVID-19 lây lan.
Tổng giám đốc Eyal Moldovan của nền tảng Payoneer cho biết, nền tảng thanh toán tài chính xuyên biên giới trên đã chứng kiến khối lượng hàng hóa trong tháng 5 và tháng 6 tăng gấp ba so với một năm trước đó.
Ông cho biết, "Giờ đây, người Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng. Họ là những người bán hàng nhanh chóng chấp nhận thời cuộc, giao các loại hàng hóa cần thiết và hiểu được sự lựa chọn của người tiêu dùng".
Đơn cử, chuỗi cửa hàng đồ gia dụng và tiêu dùng Trung Quốc Miniso cho biết, họ vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành 100 sản phẩm mới mỗi tuần, kể cả khi họ đã chuyển nhiều hoạt động kinh doanh trực tuyến của mình sau đại dịch COVID-19.
Vincent Huang, Phó Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh Quốc tế của Miniso, cho biết trước đây mỗi khách hàng thường chi tiêu 12 USD khi tới cửa hàng mua sắm. Hiện tại, con số này đã lên tới 60 - 70 USD đối với một đơn đặt hàng trực tuyến, theo bản dịch từ tiếng Trung của CNBC.
"Sau khi dịch bệnh kết thúc, chúng tôi có kế hoạch mở rộng kinh doanh, kể cả ngoại tuyến", ông Huang cũng nói thêm rằng công ty có kế hoạch giảm giá bán lẻ từ 20 - 30% thông qua việc cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.
Hầu hết nhà cung cấp của Miniso có trụ sở tại Trung Quốc. Theo thông tin từ phía công ty tiết lộ vào cuối năm 2019, Miniso đã có hơn 3.900 cửa hàng và có mặt ở hơn 70 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
Ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại
Các nhà máy Trung Quốc cũng phát hiện ra doanh số bán hàng từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) trên nền tảng thương mại trực tuyến đã bỏ qua bước vận chuyển hàng hóa tới nhà phân phối rồi mới bán trực tiếp tới người tiêu dùng.
Thêm vào đó, tâm lí không chắc chắn liên quan đến những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải tiếp cận thị trường bằng các nền tảng khác nhau.
Công ty bán máy pha cà phê có trụ sở tại Quảng Đông HiBrew bắt đầu bán hàng trên nền tảng AliExpress vào tháng 7/2019 để tiếp cận thị trường châu Âu, đây là lời nhận xét của Chủ tịch HiBrew Zeng Qiuping được CNBC dịch từ tiếng Trung. Trước đó, thị trường chính của công ty là Mỹ, nhưng những rào cản thuế quan đã khiến cho công ty phải lùi bước.
Tăng cường chiến dịch logistics
Mô hình bán hàng trực tiếp đã phát triển trong phạm vi Trung Quốc.
Công ty Cainiao, "cánh tay phải" về logistics của Alibaba, cho biết nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba đã ra mắt một "phiên bản đặc biệt" vào hồi tháng 3, nhắm đến đối tượng là các nhà máy sản xuất có nhiều đơn đặt hàng thương mại bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do dịch COVID-19.
Tính đến tháng này, ít nhất 1,2 triệu nhà máy tham gia nền tảng Taobao, với doanh số bán hàng tăng gấp 6 lần trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 7, theo thông tin từ Cainiao.
Việc mua sắm online tăng thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ giao hàng. Đơn cử, các dịch vụ logistics của Cainiao tương đương với 4% tổng doanh thu trong ba tháng đầu năm, nhưng lại là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng 28% hàng năm.
Hay như công ty DHL của Đức cho biết lợi nhuận hoạt động tăng 16% trong quí II so với năm trước đó, đạt khoảng 890 triệu EUR. Kể từ cuối tháng 3, công ty đã chứng kiến mức tăng trưởng dương về khối lượng lô hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tính cả quốc tế và trong ngành kinh doanh bưu kiện của Đức, theo một thông báo vào ngày 7/7.
Một ví dụ nữa là tập đoàn chuyển phát nhanh SF Express (Trung Quốc) với mức tăng trưởng 84,22% về khối lượng hàng hóa trong giai đoạn hoạt động từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, từ 374 triệu vé lên 689 triệu vé.
Sự cần thiết của công nghệ
Một số startup Trung Quốc đang tìm cách tận dụng những xu hướng công nghệ mới.
Mingming Huang, nhà quản lí quĩ Quĩ Future Capital Discovery Fund, cho biết COVID-19 đã khiến cho các đơn đặt hàng biến động nhiều hơn và buộc phải số hóa ngành công nghiệp logistics nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
"Quĩ Future Capital Discovery Fund tin rằng, trong tương lai công ty có dịch vụ logistics tốt nhất chắc chắn sẽ là một công ty công nghệ", ông Huang phát biểu.