Không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng trong đại dịch, Google quyết giành miếng bánh thương mại điện tử với Amazon
Google luôn tỏ ra nghiêm túc mỗi khi họ muốn cạnh tranh với Amazon trên mặt trận mua sắm trực tuyến. Họ từng tung đòn vào các năm 2013, 2014, 2017 và 2019.
Nhưng trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ, ý tưởng tạo ra chợ trực tuyến để phục vụ người tiêu dùng trở nên cấp bách và khả thi hơn bao giờ hết.
Hôm 23/7, Google thông báo họ sẽ thực hiện các giải pháp để tăng số lượng người bán và sản phẩm lên trang mua sắm trực tuyến bằng cách thưởng phần trăm doanh số và cho phép các nhà bán lẻ sử dụng những dịch vụ thanh toán và quản lí đơn hàng của bên thứ ba, như Shopify thay vì chỉ sử dụng dịch vụ của Google.
Hiện tại, phí hoa hồng trên Google Shopping dao động từ 5 tới 15%, tùy thuộc vào từng sản phẩm.
Google luôn là điểm khởi đầu cho quá trình tìm thông tin trên mạng, song thao tác đó không thường xuyên diễn ra khi người tiêu dùng tìm một sản phẩm để mua. Ngày càng nhiều người Mỹ truy cập trang Amazon.com để tìm sản phẩm mà họ định mua. Thói quen ấy giúp mảng quảng cáo của Amazon phát triển nhanh chóng, đe dọa cỗ máy kiếm tiền chính của Google.
7 năm qua, Google hứng chịu thất bại nhiều hơn thắng lợi trong cuộc đua với Amazon. Năm 2013, họ triển khai Google Shopping Express, một dịch vụ mua sắm thực phẩm với dịch vụ giao hàng trong ngày miễn phí. Mức phí hàng năm để tham gia chương trình là 95 USD. Song chương trình thất bại và Google phải biến nó thành Google Express.
Google Express là siêu thị trực tuyến với những tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Target và Best Buy. Năm 2017, Google đưa "gã khổng lồ" Walmart vào siêu thị trực tuyến, song mối quan hệ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Năm ngoái, Google thay Google Express bằng Google Shopping và thiết lập nút "Mua" để người dân có thể dùng thẻ tín dụng trong giao dịch mà không phải dừng thao tác tìm sản phẩm.
Rồi năm nay, Google chiêu mộ Bill Ready, cựu giám đốc của PayPal, và đưa ông vào vị trí chủ tịch mảng thương mại điện tử để cạnh tranh với Amazon.
Hồi tháng 4, Google thông báo họ sẽ cho phép mọi người đăng sản phẩm miễn phí lên Google Shopping. Với quyết định ấy, Google đã lật ngược chính sách trước của họ là yêu cầu bên bán mua quảng cáo để sản phẩm hiện ra trên Google Shopping. Ngoài ra, Google khẳng định sản phẩm mà người bán đăng miễn phí vẫn hiện ra trong kết quả tìm thông tin của Google.
Bằng cách bỏ chi phí đăng và bán sản phẩm, Google muốn tăng mức độ hấp dẫn của Google Shopping đối với các nhà bán lẻ, thôi thúc họ đưa sản phẩm lên nền tảng của tập đoàn.
Trong một cuộc phỏng vấn, Bill Ready nói rằng phần lớn nhà bán lẻ đã tụt hậu so với thương mại điện tử trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Khi mà số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng trong vài tháng qua, khoảng cách đã giãn rộng hơn. Thế nhưng chỉ vài doanh nghiệp hưởng lợi từ đà tăng mạnh của thương mại điện tử.
"Chúng tôi muốn bảo đảm rằng bán hàng trực tuyến là việc dễ dàng và rẻ", Bill Ready tuyên bố.
Rất có thể những thay đổi của Google sẽ có hiệu lực ngay ở Mỹ trước khi tập đoàn triển khai chúng ở những nước khác trong năm nay. Google thông báo những người bán đã đăng sản phẩm trên Amazon có thể chuyển chúng sang Google Shopping mà không phải thay đổi định dạng dữ liệu.
Mặc dù mọi động thái mới nhất của Google đều nhắm vào Amazon, ông Bill Ready không hề đề cập tới tập đoàn của tỉ phú Jeff Bezos trong cuộc phỏng vấn.
"Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ một hệ sinh thái người bán đa dạng và luôn cạnh tranh. Một người bán không thể phục vụ nhu cầu của mọi người tiêu dùng", ông nói.