|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ sau thập kỷ khủng hoảng tài chính

21:15 | 27/09/2018
Chia sẻ
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các nước thất bại trong thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế chính khổng lồ phát triển thiếu kiểm soát.
kinh te the gioi tiem an nguy co sau thap ky khung hoang tai chinh
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Theo báo cáo công bố ngày 26/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn.

Báo cáo năm 2018 về "Thương mại và phát triển: Quyền lực, nền tảng và ảo tưởng thương mại tự do" đã cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức tiềm năng.

Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước đã thất bại trong việc thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế chính khổng lồ phát triển một cách thiếu kiểm soát.

Báo cáo nêu rõ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang là dấu hiệu xuống cấp của hệ thống kinh tế và cơ chế đa phương. Đây được xem là vòng luẩn quẩn về bất bình đẳng và sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi chính trị và tiền bạc của các tập đoàn.

Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận định kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều áp lực, bao gồm việc tăng thuế quan, các dòng tài chính bất ổn. Tuy nhiên, đằng sau các mối đe dọa sự ổn định toàn cầu này là thất bại lớn hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng và mất cân bằng trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, thay vì giải quyết gốc rễ nguyên nhân, thế giới đã cho phép các thể chế tài chính lớn mạnh hơn, trong khi các ngân hàng "ngầm" tăng trưởng lên tới 160.000 tỷ USD, gấp đôi quy mô kinh tế toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng cổ phiếu nợ đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, gấp 3 lần tổng thu nhập của thế giới và cao hơn 50% so với giai đoạn xảy ra khủng hoảng.

Người đứng đầu mảng chiến lược phát triển và toàn cầu hóa UNCTAD Richard Kozul-Wright cảnh báo lịch sử đã chứng minh các bong bóng do nợ gây nên đều luôn dẫn tới những hậu quả rất tồi tệ. Nợ cao gắn liền với sự gia tăng bất bình đẳng khi mà ảnh hưởng của các thể chế tài chính cũng tăng lên và số lượng doanh nghiệp lớn giảm đi.

Ông Kozul-Wright đánh giá 1% số các tập đoàn lớn kiểm soát hơn 50% giao dịch thương mại thế giới. Điều này là rất đáng quan ngại vì các "đại gia" chính là nguồn cơn gây ra sự bất bình đẳng trong thế giới tài chính hóa ngày nay.

Trong khi đó, lòng tin vào hệ thống lại suy giảm nghiêm trọng khi các thể chế tài chính gây ra khủng hoảng lại không phải chịu trách nhiệm và thậm chí kiếm thêm lợi nhuận từ việc này.

Ông Kozul-Wright tin rằng chiến tranh thương mại đã phản ánh sự thiếu lòng tin trên khắp hệ thống chính trị. Trong khi đó, UNCTAD cảnh báo rằng các đòn đáp trả thương mại gần đây sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ với thương mại.

Xem thêm

Đặng Ánh