|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Đà Nẵng 11 tháng: Thu hút FDI bất ngờ tăng mạnh, xuất siêu hơn 520 triệu USD

11:52 | 12/12/2024
Chia sẻ
Hơn 182 triệu vốn FDI vào Đà Nẵng trong tháng 11 đã nâng tổng vốn FDI mà thành phố thu hút được trong năm nay lên 213 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi trước đó, địa phương chỉ thu hút được 33 triệu USD trong 10 tháng, giảm tới 81,7% so với cùng kỳ.

Thu hút FDI bất ngờ đảo chiều tăng mạnh

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, riêng tháng 11, Đà Nẵng đã thu hút được 182,24 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, phần lớn đến từ dự án ICT VINA III của Công ty TNHH Dentium, với vốn đầu tư 177 triệu USD.

Kết quả này đã nâng tổng vốn FDI thu hút được trong 11 tháng đầu năm của Đà Nẵng lên 213,37 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong 11 tháng, thành phố đã cấp mới đăng ký cho 64 dự án với vốn 204,13 triệu USD; điều chỉnh tăng/giảm vốn 23 lượt dự án với tổng vốn 7,84 triệu USD; 18 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,4 triệu USD.

IIP tăng 6,65%, ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu

Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tháng 11 ước tăng 10,95% so với tháng 11/2023 nhưng giảm 1,81% so với tháng trước.

Theo lý giải của Cục Thống kê Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân khiến chỉ số IIP tháng 11 mặc dù tăng 10,95% nhưng vẫn giảm nhẹ so với tháng trước là do sản lượng sản xuất trong tháng 10 của nhiều ngành chủ lực có mức tăng khá ấn tượng nhờ ký kết được một số hợp đồng có giá trị lớn.

Bình quân 11 tháng năm nay, IIP của Đà Nẵng tăng 6,65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng vẫn giữ mức giảm sâu, giảm 33,4%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện

Tính đến ngày 25/11, TP Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.761 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.128 tỷ đồng, giảm 7,5% về số doanh nghiệp và giảm 20,2% về số vốn so với cùng kỳ 2023. 

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động lại tăng 4,6%. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 705 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất siêu hơn 520 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng ước đạt 3,02 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 20,0%. 11 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hoá của thành phố ghi nhận xuất siêu 529 triệu USD.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 15,4%

Với nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tăng cao vào những tháng cuối năm, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 của Đà Nẵng đạt 12.162,1 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 10 và tăng 21,5% so với tháng 11/2023. 

Tính chung 11 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 127.128 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 68.452 tỷ đồng, tăng 12,4%; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 24.716 tỷ đồng, tăng 22,0%; du lịch lữ hành đạt 6.745 tỷ đồng, tăng 33,3%; dịch vụ tiêu dùng khác đạt 27.215 tỷ đồng, tăng 13,7%.

3,7 triệu lượt khách quốc tế

Du lịch luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng. Luỹ kế 11 tháng đầu năm,tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,7 triệu lượt, tăng 33,5%; khách trong nước ước đạt 6,3 triệu lượt, tăng 31,6%.

CPI tăng 3,02%

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, việc giá dầu hỏa, dầu diezel, gas, thực phẩm, nhà ở thuê tăng là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá (CPI) của thành phố trong tháng 11 tăng 0,22% so với tháng 10 và tăng 3,14% so với tháng 11/2023.

Bình quân 11 tháng năm nay, CPI Đà Nẵng tăng 3,02% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,43%.

Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 11 tháng năm 2024 so với bình quân năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Huy động vốn tín dụng tăng xấp xỉ 10%

Tính đến hết tháng 11, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi VND ước đạt 202.300 tỷ đồng, tăng 9,17%; tiền gửi ngoại tệ ước đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 35,29%.

Về tình hình hoạt động cho vay, trong 11 tháng, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước thực hiện khoảng 234.000 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND ước đạt 230.500 tỷ đồng, tăng 7,21%; dư nợ ngoại tệ ước đạt 3.500 tỷ đồng, giảm 26,96% so với cuối năm trước. 

Tình hình hoạt động tín dụng trên địa bàn TP Đà Nẵng tính đến hết tháng 11. (Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng).

Ngân sách tiếp tục bội chi gần 3.000 tỷ đồng

Theo báo cáo, hoạt động thu ngân sách Nhà nước tại Đà Nẵng trong 11 tháng năm nay tiếp đà tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 25/11 đạt 23.829 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 5.874 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 17.955 tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 26.791 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 9.208 tỷ đồng, tăng 18,7%; chi thường xuyên đạt 17.540 tỷ đồng, tăng 13,7%.

Tình hình triển khai một số công trình trọng điểm 

Thông tin từ Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, trong thời gian còn lại của năm nay, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện tại, Đà Nẵng vẫn tăng cường tập trung xử lý, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, giải tỏa đền bù, tổ chức tăng ca đẩy nhanh tiến độ thi công.

Một số dự án có khối lượng thực hiện cao trên địa bàn thành phố gồm: dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua TP Đà Nẵng; dự án Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (giai đoạn 2); dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng.

Ngoài ra, đối với dự án Khu Công viên Phần mềm số 2 (giai đoạn 1), tại Kỳ họp thứ 20 diễn ra ngày 30/10, HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng kinh phí hơn 414 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 1.400 tỷ đồng. Với kế hoạch vốn được phân bổ năm 2024 là 120 tỷ đồng, giá trị vốn đầu tư thực hiện của dự án tính từ đầu năm đến nay ước đạt 69 tỷ đồng, tương đương 57,5% so với kế hoạch năm. 

Anh My