|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Kinh Bắc ghi nhận lãi gần 2.000 tỷ từ Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, phải thu trên 11.800 tỷ

16:14 | 31/10/2022
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm nay của Kinh Bắc được đóng góp chủ yếu từ lợi nhuận gần 2.000 tỷ đồng tại công ty liên kết - CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng.

Hạch toán lợi nhuận gần 2.000 tỷ từ Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng

Theo thông tin công bố ngày 31/10, Kinh Bắc cho biết “giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng phát sinh trong quý II/2022 có tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn để đơn vị kiểm toán soát xét nội dung nên kết quả chưa được ghi nhận trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022.”

Phía doanh nghiệp đã làm việc với Savills và Công ty Kiểm toán Ernst & Young (EY) để cùng soát xét giao dịch chuyển nhượng tại CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng.

“Đến nay, đơn vị kiểm toán đã hoàn thành soát xét giao dịch nêu trên cùng với soát xét báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2022. Kết quả định giá đã được ghi nhận vào báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm của KBC”, thông báo của Kinh Bắc nêu.

BCTC hợp nhất soát xét 9 tháng đầu năm của Kinh Bắc được kiểm toán bởi EY cho thấy, doanh nghiệp đã ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần 2.000 tỷ đồng trong quý III, qua đó ghi nhận lãi ròng hơn 1.900 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng hơn 68 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp lãi ròng gần 2.030 tỷ đồng, gấp 3,6 lần số lãi cùng kỳ.

Trước đó vào ngày chốt sổ kế toán quý II, Kinh Bắc đã hoàn tất giao dịch nhận chuyển nhượng 5,7 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng với giá 57 tỷ đồng. Sau giao dịch, doanh nghiệp này trở thành công ty liên kết của Kinh Bắc với tỷ lệ sở hữu 48% và Kinh Bắc được phép đánh giá lại tài sản đầu tư.

Giá trị hợp lý tài sản thuần của Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng vào ngày mua được xác định gần 2.781 tỷ đồng. Phần chênh lệch hơn 2.182 tỷ đồng (giá trị tài sản thuần trừ đi thuế và giá phí đầu tư) được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, thông qua khoản mục lãi trong công ty liên kết. Giá gốc của khoản đầu tư tại CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng được Kinh Bắc công bố là 96 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh Kinh Bắc. (Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét 9 tháng đầu năm của KBC).

Dòng tiền kinh doanh âm hơn 936 tỷ đồng, phải thu trên 11.800 tỷ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Kinh Bắc cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận âm hơn 936 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ âm hơn 33 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là tăng các khoản phải thu và tồn kho.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Kinh Bắc trên 33.338 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng các khoản phải thu (ngắn và dài hạn) trên 11.800 tỷ đồng, chiếm hơn 35% tổng giá trị tài sản; bao gồm phải thu về cho vay trên 3.300 tỷ đồng, tạm ứng nhân viên hơn 1.630 tỷ đồng, phải thu cho thuê đất, nhà xưởng, chuyển nhượng một phần dự án,… hơn 1.400 tỷ đồng.

Tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận gần 11.980 tỷ đồng, tương đương 36% tổng giá trị tài sản. Giá trị này bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí lãi vay vốn hóa (191 tỷ đồng) và các chi phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện các khu công nghiệp, các dự án bất động sản do Kinh Bắc phát triển để bán. Phần lớn hàng tồn kho được doanh nghiệp sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn.

Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát là dự án chiếm giá trị lớn nhất trong danh mục tồn kho của Kinh Bắc với gần 7.700 tỷ đồng, kế đến là Khu công nghiệp Tân Phú Trung (1.143 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (1.105 tỷ đồng),…

Tổng giá trị đầu tư vào các công ty liên kết của Kinh Bắc tăng mạnh lên hơn 3.790 tỷ đồng (gấp 2,6 lần đầu năm) do ghi nhận 2.267 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng. Doanh nghiệp hiện có 6 công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu 21-48%.

Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9 xấp xỉ 14.697 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay 6.964 tỷ đồng, bao gồm 2.300 tỷ đồng vay dài hạn tại TPBank và PVcomBank; 3.200 tỷ đồng trái phiếu (có 2.900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023).

Bên cạnh đó, Kinh Bắc phải trả ngắn - dài hạn hơn 3.315 tỷ đồng, bao gồm hơn 1.675 tỷ đồng chi phí lãi vay phải trả cho PVcomBank. Theo thỏa thuận cơ cấu nợ, ứng vốn và trả nợ ngày 30/12/2020 giữa doanh nghiệp và PVcomBank, các khoản lãi trái phiếu này sẽ bắt đầu phải trả từ ngày 1/1/2026.

Ngoài ra, Kinh Bắc còn phải trả Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) hơn 1.800 tỷ đồng liên quan đến giao dịch nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen .

Khoản đầu tư gần 1.855 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen được Kinh Bắc ghi nhận ở khoản mục chứng khoán kinh doanh. Kinh Bắc cho biết doanh nghiệp đã có kế hoạch chuyển nhượng khoản đầu tư này trong ngắn hạn.

 

CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN) là doanh nghiệp có liên quan đến ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc.

Cụ thể, ông Tâm từng là Tổng Giám đốc Sài Gòn Đà Nẵng từ năm 2005, sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp này đến giữa năm 2014. Hiện nay, Sài Gòn Đà Nẵng được giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI) - doanh nghiệp do ông Tâm làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2006.

Saigon Invest Group gồm nhóm những công ty hoạt động ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch, khách sạn, resort,... và điều hành 18 khu công nghiệp vào năm 2008. Một số công ty thuộc nhóm này như Kinh Bắc, Saigontel (Mã: SGT),... hiện cũng do ông Tâm làm Chủ tịch.

Sài Gòn Đà Nẵng là chủ đầu tư loạt dự án: Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây (658 ha, Thừa Thiên Huế); Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (133 ha, Đà Nẵng); Khu công nghiệp Liên Chiểu (289 ha, Đà Nẵng); Khu đô thị Xanh Bàu Tràm Lakeside; Khu đô thị Xanh Dragon City Park;…

Ngoài ra, Sài Gòn Đà Nẵng còn sở hữu 8 triệu cổ phiếu WEB của Ngân hàng TMCP Phương Tây. Tài sản này được thế chấp tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Nam tại Đà Nẵng từ năm 2011.

Nguyên Ngọc