Vì sao lợi nhuận soát xét nửa đầu năm của Kinh Bắc (KBC) bốc hơi hơn 2.200 tỷ đồng?
Báo cáo soát xét bán niên 2022 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã: KBC) do Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) thực hiện cho thấy một số chỉ tiêu đã thay đổi so với báo cáo tự lập hợp nhất 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, phần lợi nhuận khác đã soát xét chỉ ghi nhận 14 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là 2.412 tỷ đồng. Điều này dẫn tới lợi nhuận sau thuế đã kiểm toán 200 tỷ đồng, giảm gần 92% so với con số 2.457 tỷ đồng trên báo cáo công bố trước đó.
Sự chênh lệch chủ yếu là trên báo cáo tự lập, KBC ghi nhận phát sinh giá trị đầu tư của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng số tiền 2.493 tỷ đồng. Còn theo báo cáo kiểm toán, con số này chỉ hơn 267 tỷ.
Giải trình về khoản chênh lệch này, KBC cho biết do trên báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng tự lập, công ty đang thực hiện kế toán ban đầu tạm thời thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng theo chuẩn mực kế toán số 11 – Hợp nhất kinh doanh và chuẩn mực kế toán số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết và các quy định có liên quan khác.
“Khoản ghi nhận kế toán ban đầu tạm thời này được công ty ước tính thận trọng dựa trên các báo cáo tư vấn thẩm định độc lập. Theo các báo cáo này, giá trị hợp lý tài sản thuần của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng ước tính thận trọng là khoảng 4.805.111 triệu đồng”, trích văn bản giải trình của KBC.
Tuy nhiên, theo Công văn ngày 29/8/2022 của Công ty kiểm toán E&Y, theo yêu cầu của chuẩn mực soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, EY đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn định giá để soát xét báo cáo định giá nêu trên. Song, do số lượng lớn các tài sản là bất động sản và tính phức tạp của việc định giá các bất động sản này nên hiện nay, công việc soát xét của EY đối với các báo cáo định giá nêu trên chưa được hoàn tất.
EY cũng nêu ý kiến nhấn mạnh về việc kế toán ban đầu của giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng đang được xác định tạm thời trên báo cáo hợp nhất giữa niên độ dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần của công ty này tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ ngày mua, theo chuẩn mực kế toán số 11.
Do đó trên báo cáo hợp nhất soát xét bán niên, công ty chưa ghi nhận thu nhập cho giao dịch này từ việc định giá theo giá trị thị trường của tài sản thuần của bên bị mua (tức CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng). Việc hoàn tất kế toán tạm thời hay đánh giá lại giá trị hợp lý của tài sản thuần của bên bị mua, xác định lãi do mua rẻ từ giao dịch hợp nhất kinh doanh sẽ được ghi nhận ngay sau khi EY hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào các báo cáo hợp nhất trong năm 2022.
Nói thêm, tại ngày 29/6, Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm đã ký Nghị quyết HĐQT thông qua việc mua thêm 5,7 triệu cổ phần của Công ty Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng để nâng tổng sở hữu lên 9,6 triệu đơn vị (tỷ lệ 48%) với giá trị đầu tư tương ứng 96 tỷ đồng, đồng thời chuyển cách ghi nhận tại công ty bị mua này thành công ty liên kết. Tại ngày 31/3/2022, KBC ghi nhận đầu tư 39 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng và ghi nhận là đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Trên website CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 8/2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI). Đơn vị này đang là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây (Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích 657,78 ha; Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (Đà Nẵng) với tổng diện tích 132,6 ha và Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng diện tích 289,35 ha.
Ngoài KBC, Công ty TNHH TCIE Việt Nam (Sản xuất và lắp ráp xe hơi Nissan) và Công ty TNHH Bao bì nước giải khát Crown Đà Nẵng cũng đang đầu tư vào Công ty Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng.