Kinh Bắc có thêm công ty con ở Quảng Ninh với vốn điều lệ 250 tỷ đồng
Ngày 8/7, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) công bố thông tin về việc nắm quyền kiểm soát Công ty TNHH Công nghiệp Chế tạo Quảng Yên (Công ty Quảng Yên). Cụ thể, Công ty Quảng Yên được thành lập ngày 7/7 bởi Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (Mã: SHP) - công ty con do KBC sở hữu trực tiếp 86,54% vốn điều lệ.
Theo thông báo của KBC, Công ty Quảng Yên có trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh, vốn điều lệ 250 tỷ đồng trong đó SHP chiếm 100% vốn chủ sở hữu. Hoạt động sản xuất chính của công ty là sản xuất động cơ, tua bin trừ động cơ máy bay, ô tô và xe máy.
Về SHP, đơn vị này được thành lập vào năm 2006 có trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Hoạt động chính của công ty là cho thuê đất đã được xây dựng xong cơ sở hạ tầng, cho thuê hoặc bán nhà, nhà xưởng, kinh doanh các dịch vụ khu công nghiệp, khu dân cư đô thị.
SHP là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị Tràng Duệ, KCN thuộc khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng. Trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của công ty mẹ, Tổng Giám đốc KBC cho biết KCN Tràng Duệ còn vướng một chút về thủ tục, đến giai đoạn 3 (Tràng Duệ 3) mới có thể thu hút đầu tư, còn những giai đoạn trước đó đã lấp đầy 100%.
Về hoạt động kinh doanh của KBC trong năm nay, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT chia sẻ từ đầu năm, Kinh Bắc đã được cấp phép liên tục 3-4 dự án KCN có diện tích lớn. Các dự án này mất 3-5 năm để hoàn thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư. Riêng việc thu hút đầu tư có thể thực hiện ngay từ năm 2023.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 6, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Kinh Bắc, cho biết trong tuần buổi họp, Kinh Bắc sẽ ký kết với một đối tác chuyên sản xuất sản phẩm cho Apple và phía đối tác sẽ thuê 50 ha tại KCN Quang Châu mở rộng (Bắc Ninh) với giá trị đầu tư hàng tỷ USD. Cách ngày diễn ra đại hội ba tuần, Kinh Bắc đã ký hợp đồng với Oppo tại KCN Nam Sơn-Hạp Lĩnh.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã cho phép Kinh Bắc thành lập 3 KCN mới, trong đó Kinh Bắc có 2 KCN và Sài Gòn-Bắc Giang (công ty con của Kinh Bắc) sở hữu 1 KCN. Ngoài ra, KCN Quế Võ cũng được mở rộng một khu.