Kinh Bắc cần 1.500 - 2.000 tỉ đồng cho các khu công nghiệp trong năm 2020
Thông tin từ Báo cáo thường niên 2019 của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) cho biết, hoạt động cho thuế đất khu công nghiệp (KCN), cung cấp nhà xưởng xây sẵn để bán và cho thuê là những hoạt động đóng góp chính vào doanh thu của công ty với tỉ suất lợi nhuận thuần 30-40% mỗi năm.
Trong năm 2020, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN Quang Châu (426 ha), Nam Sơn Hạp Lĩnh (432,5 ha), Tân Phú Trung (542 ha) và hai khu đô thị (KĐT) Phúc Ninh (136,5 ha), Tràng Duệ (42 ha).
Tại KCN Quang Châu (Bắc Giang), doanh nghiệp tiếp tục đền bù 90 ha và hoàn thiện pháp lí chuyển đổi KĐT trên phần diện tích đã đền bù này sang KCN.
Bên cạnh đó, Kinh Bắc sẽ giải phóng mặt bằng ngoài phạm vi 100 ha đã đền bù tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, sau đó hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bàn giao cho nhà đầu tư đã đăng kí thuê đất đúng hạn.
Về KCN Tân Phú Trung (Củ Chi, TP HCM), Kinh Bắc cho rằng KCN này có nhiều lợi thế, bao gồm vị trí, quĩ đất sẵn sàng cho thuê nên doanh nghiệp sẽ tập trung thu hút đầu tư và thiết lập mặt bằng giá tốt hơn. Theo đó, Kinh Bắc sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đền bù 100% diện tích KCN này trong năm nay.
Đối với các KĐT, Kinh Bắc sẽ xây dựng khoảng 50 căn biệt thự tại KĐT mới Phúc Ninh (Bắc Ninh). Đồng thời, hoàn thiện 93 nhà phố thương mại và xây mới 28 căn biệt thự tại KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng).
Ngoài ra, Kinh Bắc còn lên kế hoạch xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể cho KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây (Huế); lập đề án các KCN - KĐT mới tại Hải Dương, Long An; hoàn thiện thủ tục pháp lí cho KCN Tràng Duệ 3; triển khai dự án Khu ngoại giao và một KĐT tại Hà Nội…
Trong đó, hạ tầng KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây do CTCP Đầu tư Sài Gòn Huế (SGH), đơn vị do Kinh Bắc sở hữu hơn 28%, làm chủ đầu tư. KCN này có qui mô 660 ha, thuộc Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô và cách trung tâm TP Huế 50 km.
Còn dự án Khu ngoại giao Hà Nội có diện tích 20.000 m2, nằm trên đường Phạm Văn Đồng. Trước đó ở năm 2017, Kinh Bắc đã lập công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư NGD để quản lí phát triển dự án. Kinh Bắc đang tìm kiếm đối tác để thực hiện dự án này.
Để thực hiện được những kế hoạch trên, Kinh Bắc cho biết doanh nghiệp cần nguồn vốn 1.500-2.000 tỉ đồng, phân bổ cho các dự án hạ tầng cũ và bổ sung vốn kinh doanh. Theo dự kiến, Kinh Bắc sẽ huy động vốn bằng hình thức vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo số liệu do doanh nghiệp công bố, hiện Kinh Bắc đang quản lí 5.278 ha đất cho phát triển KCN, chiếm 5,5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước. Trong đó, có 1.031 ha đất tại 4 KCN đã lấp đầy 100%. Ngoài ra, Kinh Bắc còn 939 ha đất cho phát triển khu đô thị và dân cư.
Tính riêng trong năm 2019, Kinh Bắc đã đầu tư trực tiếp vào các KCN, KĐT gần 731 tỉ đồng, giảm 34% so với năm 2018. Trong đó, phân bổ ở KCN Quang Châu 196 tỉ đồng, KCN và KĐT Tràng Duệ 191 tỉ đồng, KĐT Phúc Ninh 125,5 tỉ đồng, KCN Tân Phú Trung đã đầu tư 104 tỉ đồng, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh 98,5 tỉ đồng…
Với việc 4 KCN tại Bắc Ninh và Hải Phòng đã lấp đầy 100%, ứng với phần diện tích 1.031 ha, Kinh Bắc cho rằng đây là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp trong ngắn hạn.