|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kiểm soát giá thực phẩm, khí đốt có giúp các nước giải được 'bài toán' lạm phát?

20:38 | 19/01/2022
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kinh tế đang đặt câu hỏi các chính phủ có nên cân nhắc việc ấn định giá đối với những hàng hóa thiết yếu hay không, trong bối cảnh người dân đang phải chi trả nhiều hơn cho thực phẩm, khí đốt, ô tô và dịch vụ. Tình trạng lạm phát chưa có hồi kết giữa bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tác động lên nhiều nền kinh tế, dù lớn hay nhỏ.

"Làn sóng" lạm phát

Ngày 12/1, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia này đã tăng 7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dùng để đo lường lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đã tăng 0,5% chỉ trong tháng trước.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng các chỉ số tăng giá đối với nhà ở, ô tô đã qua sử dụng và xe tải là "những yếu tố đóng góp lớn nhất cho việc tăng giá tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa". 

Giá thực phẩm cao hơn cũng được đánh dấu trong báo cáo mới nhất của Bộ Lao động và là một yếu tố góp phần đáng chú ý vào lạm phát, mặc dù mức tăng 0,5% trong tháng trước ít hơn so với những tháng gần đây.

Trong khi đó, giá đồ đạc và hoạt động gia đình, quần áo, xe mới và chăm sóc y tế cũng tăng trong tháng 12/2021, trong khi giá bảo hiểm xe cơ giới và giải trí giảm. 

Giá năng lượng cũng giảm 0,4% trong tháng 12/2021 sau một loạt đợt tăng, kéo theo giá xăng và khí đốt tự nhiên cũng giảm. Tuy nhiên, giá tất cả các mặt hàng trừ thực phẩm và năng lượng đã tăng 0,6% trong tháng trước, nhiều tuần sau khi tăng 0,5% trong tháng 11/2021. 

Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, tháng 12/2021 đánh dấu lần thứ sáu giá tăng ít nhất 0,5% trong 9 tháng qua.

Cùng chung tình cảnh trên, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới đây công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021. 

Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.

Cũng theo Eurostat, trong các nước thành viên Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Theo đó, Estonia ghi nhận mức cao nhất với 12%, kế đến là Lithuania với 10,7%. Xét theo quy mô các nước lớn trong Eurozone, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát cao nhất với 6,7%, kế đến là Đức 5,7%.

Còn trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho rằng cơ quan này cần lưu ý đến nguy cơ lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến nếu chi phí nguyên liệu tiếp tục tăng đột biến và thúc đẩy nhiều công ty tăng giá bán.

Kiểm soát giá thực phẩm, khí đốt có giúp các nước giải được 'bài toán' lạm phát? - Ảnh 1.

Giá thực phẩm, khí đốt tăng cao gây ra lạm phát ở nhiều nước. (Ảnh minh họa: Forbes)

Theo báo cáo của BoJ, hiện tại, chi phí nguyên liệu thô tăng cao tập trung vào nhóm thực phẩm và không lan sang nhiều mặt hàng khác. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ để thu hút người tiêu dùng với các chương trình giảm giá có thể ngăn chặn lạm phát, song vẫn có khả năng chi phí nguyên vật liệu sẽ tăng cao hơn dự kiến.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy kỳ vọng lạm phát của các doanh nghiệp đang tăng lên và ngày càng có nhiều công ty chứng kiến giá đầu ra tăng. Do đó, BoJ cần phải tính đến khả năng giá hàng hóa sẽ cao hơn do chi phí tăng nhanh hơn dự kiến.

Trước đó, Viện Địa lý và Thống kê Brazil ngày 11/1 cho biết tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này trong năm 2021 lên tới 10,06%, mức cao nhất ghi nhận được kể từ năm 2015. 

Đây cũng là lần đầu tiên trong sáu năm qua, tỷ lệ lạm phát vượt quá mức trần mục tiêu do Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) thiết lập. Vào đầu năm ngoái, BCB đặt trần lạm phát cả năm chỉ ở mức 3,75% với biên độ +/-1,5%.

Theo số liệu từ IBGE, giá cả các nhóm sản phẩm và dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh trong năm vừa qua, nổi bật là giao thông vận tải (+21,03%), nhà ở (+13,05%), thực phẩm và đồ uống (+7,94%). 

Ngành vận tải của Brazil về cơ bản bị ảnh hưởng nặng nề từ việc giá nhiên liệu tiếp tục tăng mạnh trên thị trường, trong đó giá ethanol tăng 62,23% và giá xăng tăng 47,49%. Việc giá cả liên tục tăng trong những tháng gần đây đã khiến BCB buộc phải nâng lãi suất cơ bản trong tháng 12/2021 lên 9,25%/năm, mức cao nhất trong 4 năm qua.

Đi tìm lời giải 

Việc ấn định giá cả từng diễn ra trước đây, thường là trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học trả lời cho câu hỏi trên là “không”. 

Khi được hỏi liệu các biện pháp kiểm soát giá từng được áp dụng ở Mỹ hồi những năm 1970 có thể làm giảm lạm phát trong năm 2023 hay không, chưa đến 25% các nhà kinh tế được khảo sát cho biết họ đồng ý, trong khi gần 60% nói rằng họ không đồng ý hoặc hoàn toàn không đồng ý. 

Họ cho rằng việc hạn chế mức giá của các công ty có thể tác động thị trường, gây ra tình trạng thiếu hụt và làm trầm trọng thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng, trong khi lạm phát chỉ giảm tạm thời.

David Autor, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận xét kiểm soát giá tất nhiên có thể hạn chế mức tăng, song đây là một ý tưởng tồi. 

Trong khi đó, Isabella Weber, một trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, lập luận rằng việc kiểm soát giá cả có thể sẽ là biện pháp giúp “câu giờ” để giải quyết những bế tắc kéo dài chừng nào đại dịch còn chưa kết thúc.

Các nhà hoạch định chính sách dường như không mấy mặn mà với các biện pháp kiểm soát giá, dù cho điều này đang gây sức ép lớn hơn lên các gia đình trung lưu so với những người giàu. 

Kiểm soát giá thực phẩm, khí đốt có giúp các nước giải được 'bài toán' lạm phát? - Ảnh 2.

Chính phủ đang cân nhắc việc ấn định giá đối với những hàng hóa thiết yếu. (Ảnh minh họa: Reuters)

Tuy nhiên, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, ở mức 7%, và các cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, việc kiểm soát giá cả có thể sẽ được đưa vào các cuộc tranh luận nhằm tìm cách “hạ nhiệt” giá, đặc biệt là khi những hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2022 không thể kiềm chế lạm phát.

Việc kiểm soát giá có thể nhắm tới hàng hóa cụ thể hoặc áp đặt đối với nhiều loại hàng hóa, ấn định theo mức sàn hoặc mức trần. Chẳng hạn như thủ đô Berlin của Đức đã tìm cách hạn chế mức tiền thuê nhà mà chủ nhà có thể tính cho người thuê. 

Còn tại Vương quốc Anh, các cơ quan quản lý giới hạn mức phí mà người tiêu dùng có thể phải trả cho năng lượng và một số loại giá vé đường sắt.

Các nhà kinh tế cho rằng việc hạn chế giá có thể thúc đẩy các công ty sản xuất ít sản phẩm hơn, như vậy lại khiến sản phẩm đó trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng, và chúng ta lại trở về vòng quay cung giảm-cầu tăng. 

Dù vậy, điều này không ngăn được chính phủ các nước sử dụng các biện pháp kiểm soát giá cả khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử vào cuối năm 2021 ở Argentina, lạm phát đã tăng lên đến 50%, dẫn đến chính phủ nước này đã đóng băng giá của hơn 1.000 mặt hàng gia dụng.

Tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thông báo sẽ giảm giá bột mỳ, đường, dầu hướng dương, sữa, đùi lợn và ức gà giữa lúc cuộc bầu cử quốc gia ở nước này dự kiến diễn ra vào tháng 4/2022. Ông cũng quyết định nới rộng mức trần giá đối với năng lượng, nhiên liệu và một số mặt hàng khác.

Trong khi đó, một vài thành phố ở Mỹ cũng đã giới hạn giá thuê nhà và số tiền mà chủ nhà có thể tăng lên mỗi năm, trong khi đó, các cơ quan chính phủ hạn chế mức giá đối với một số hóa đơn tiện ích độc quyền.

Minh Hằng (Theo CNN, Bloomberg)