|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Kiềm' cơn sốt đất, HoREA đề nghị giữ nguyên mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất TP HCM từ 5-8,33%

15:56 | 06/03/2019
Chia sẻ
HoREA cho rằng, cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất từ 19% đến 30% của Sở Tài chính là quá cao và chưa hợp lý. Hiệp hội đề nghị giữ nguyên mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 như 2018, tăng từ 5% - 8,33%. Theo HoREA, bảng giá đất và hệ số K cũng có tác động ít nhiều đến thị trường BĐS.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có công văn gửi UBND TP HCM, đề nghị tiếp tục xem xét trước khi quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP HCM.

Kiềm cơn sốt đất, HoREA đề nghị giữ nguyên mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất TP HCM từ 5-8,33% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Cụ thể, trước tờ trình ngày 21/2/2019 của UBND TP HCM về ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2019, UBND TP HCM đã thống nhất với đề nghị của Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018, trên cơ sở nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần Bảng giá đất của thành phố và hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất ở để tính bồi thường trên địa bàn thành phố hiện nay tính bình quân là 4,75. HoREA cho rằng, đề nghị của Liên Sở là quá cao và chưa hợp lý.

Theo HoREA, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là nguồn thu quan trọng của ngân sách. Trong đó, tiền thu ngân sách từ đất năm 2018 đã giảm 16,8%, số thu tiền sử dụng đất dự án giảm đến 22,5% so với năm 2017.  Bên cạnh đó, Hiệp hội cho biết, trên địa bàn thành phố còn nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân còn nợ ngân sách nhà nước thành phố về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất năm 2017 và năm 2018.

Do đó, Hiệp hội nhận thấy cơ cấu nguồn thu ngân sách từ đất là một căn cứ quan trọng để thành phố xem xét, quyết định hệ số K hàng năm. Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị mức tăng cần đảm bảo tính hợp lý, vừa phù hợp giá thị trường, đảm bảo nguồn thu ngân sách và vừa sức dân cũng như doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo HoREA, chỉ số CPI cũng là một căn cứ tham khảo khi xem xét hệ số K. Chỉ số CPI trong 3 năm qua đều nằm dưới mức trần do Quốc hội quyết định. Do vậy, Hiệp hội nhận thấy khi xây dựng hệ số K thì yếu tố CPI đã và đang được kiểm soát rất tốt, nên mức độ tăng hệ số K năm 2019 chỉ ở trong khoảng từ 5 đến 8,33% tương tự cách làm năm 2018 là hợp lý.

Đặc biệt, Hiệp hội cho rằng, hệ số K tác động chủ yếu đến hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở ngoài hạn mức, cũng tác động đến doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi thuê đất hoặc giao đất trong một số trường hợp, kể cả đối với dự án bất động sản quy mô nhỏ, có mức thu tiền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng.

Việc xây dựng hệ số K hiện nay dẫn đến hộ gia đình, cá nhân tại các quận ven và các huyện ngoại thành phải chịu tỷ lệ tăng cao hơn các quận nội thành, tác động trực tiếp đến số đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị cư trú xa trung tâm.

Đồng thời, bảng giá đất và hệ số K tác động trực tiếp đến nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của đông đảo hộ gia đình và cá nhân, mà đa số là sử dụng nhà để ở, không có kinh doanh nên dẫn đến nhiều hộ gia đình đã phải xin được nợ tiền sử dụng đất. Đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo để đảm bảo ổn định an sinh xã hội về nhà ở, vì có thể dẫn đến tình trạng nợ tiền sử dụng đất gia tăng trong thời gian tới đây.

HoREA cũng cho biết, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất cũng có tác động nhất định đến giá cả của thị trường bất động sản.

Từ những lý do trên, HoREA đề nghị UBND TP HCM tiếp tục giữ nguyên mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tương đương như năm 2018, tức là tăng từ 5% - 8,33% vì mức đề xuất tăng từ 19% - 30% của Liên Sở Tài chính – Sở Tài nguyên Môi trường là quá cao và chưa hợp lý.

Trước đó, cuối tháng 09/2018, Sở Tài chính TP HCM đã có văn bản lấy ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2019 trên địa bàn theo hướng sẽ tăng hệ số điều chỉnh lên 0,4 lần so với năm 2018. Hệ số này được áp dụng trong trường hợp các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ tài chính thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở.

Tháng 10/2018, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và các sở, ban ngành có liên quan, kiến nghị sắp xếp, phân loại lại một số quận vào khu vực phù hợp về điều chỉnh hệ số giá đất năm 2019 để đảm bảo sự công bằng khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, HoREA cho rằng Sở Tài chính đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 so với năm 2018 tăng 19% - 30% cao hơn nhiều so với mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 (chỉ ở mức 5% - 8,33%).

Thu Hà