Kịch bản hậu COVID-19 của xuất khẩu gỗ: Đứng trước nguy cơ phá sản, đâu là giải pháp để tồn tại và phát triển?
Ngành gỗ khủng hoảng vì dịch COVID-19
Ngành gỗ Việt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang Mỹ, thị trường xuất khẩu chiếm 50% thị phần, có thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng. Với thị trường EU, 81% doanh nghiệp gỗ Việt cũng nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng.
"Toàn bộ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như đóng băng, với 60 - 80% đơn hàng xuất khẩu gỗ bị cắt, chậm thanh toán và thậm chí hủy đơn hàng", theo báo cáo "Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới của doanh nghiệp" của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST).
Ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Woodsland chia sẻ các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam đã đóng cửa hết hệ thống cửa hàng tiêu thụ. “Người mua hàng từ Woodsland ngay lập tức thông báo ngừng đơn hàng. Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần. Dự kiến, 6 - 7 tuần nữa mới có thêm thông tin các cửa hàng bên kia có nhận hàng hay không”, ông Bằng cho biết.
Ngoài việc bị ngắt đơn hàng đột ngột, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu do thiếu công nhân khai thác gỗ nguyên liệu, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500-1000 USD/container. Dự báo khó khăn này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Đó là còn chưa kể đến việc các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp dăm của Việt Nam giảm giá giữa bối cảnh dịch bệnh làm giảm lượng xuất khẩu dăm sang Trung Quốc giảm 35%", ông Thang Văn Thông, Phó Tổng giám đốc của Công ty Hào Hưng, công ty xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất cả nước chia sẻ.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu do đó các doanh nghiệp gỗ Việt chưa kí được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021.
Do vậy nhiều nhà máy tiền ẩn nguy cơ nhà máy đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.
Theo khảo sát của VIFOREST đối với 124 doanh nghiệp gỗ trên cả nước, hơn một nửa số doanh nghiệp (khoảng 51%) đã phải thu hẹp qui mô sản xuất do dịch; 35% đang hoạt động bình thường, nhưng sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% vẫn hoạt động bình thường.
Không chỉ ảnh hưởng về sản xuất, các doanh nghiệp còn bị thiệt hại tài chính. 124 doanh nghiệp được khảo sát ước tính thiệt hại khoảng 3.066 tỉ đồng, với bình quân gần 25 tỉ đồng/doanh nghiệp.
Cũng giống như các ngành như dệt may, da giày, ngành công nghiệp chế biến gỗ 1 trong 3 ngành xuất khẩu chủ lực đang phải đối mặt với nguy cơ hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất vào nửa cuối tháng 4/2020 và hoàn toàn mất khả năng hỗ trợ người lao động, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ, báo cáo của VIFOREST cho hay.
Hàng loạt giải pháp vực dậy được vạch ra
Tổng cục Lâm nghiệp dự báo dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới khiến việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ tháng 4 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa), cho rằng doanh nghiệp chỉ có 2 lựa chọn. Một là, cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kĩ càng các bước tiếp theo để khi dịch qua đi là tăng tốc phát triển và hai là đóng cửa và phá sản.
"Không doanh nghiệp nào muốn chọn phương án hai, nên đều cố gắng tìm mọi cách để tồn tại, như chuyển đổi sang hình thức bán hàng online, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, gia tăng thị trường nội địa, xác định lại thị trường chiến lược; thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất - kinh doanh ngay sau dịch…," Chủ tịch Bifa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho rằng ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường trong nước với giá trị thương mại hơn 4 tỉ USD.
Với dân số gần 97 triệu người, trong đó tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, qui mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. Chiến lược phát triển ngành gỗ không chỉ chú trọng vào mở rộng xuất khẩu mà cần có các cơ chế, chính sách và hoạt động nhằm phát triển bền vững thị trường nội.
Hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Phần 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ khác như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời…
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ chiến lược này lại bị nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm lĩnh. Vì lẽ đó, việc xác định dòng sản phẩm chiến lược ngay trên sân nhà là yếu tố rất quan trọng.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ trong bối cảnh hiện nay, khi mà COVID-19 đang "cản đường".
Tuy nhiên, việc ứng dụng thương mại điện tử đòi hỏi cần phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp, tay nghề của người lao động và phát triển cơ sở hạ tốt nhằm thực hiện các giao dịch online.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần đảm bảo thể chất cho đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, chi tiêu không cần thiết sẽ phải cắt giảm, điển hình là các khoản đầu tư lớn, thậm chí cả chi phí marketing.
"Nếu bắt tay vào công cuộc chuyển đổi ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sẽ cần 3-6 tháng để mở một website bán hàng hoặc phân phối qua một trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số hoàn toàn đòi hỏi lộ trình ít nhất 3 năm", ông Phương dự đoán.
Ngoài ra để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ đưa các phân ngành như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; gia công cơ khí; xử lí và tráng phủ kim loại vào Dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.
Đồng thời sớm xem xét việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị xuất khẩu đủ điều kiện; miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước quản trị rừng tốt như EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản..; miễn giảm và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; miễn thuế suất thuế xuất khẩu 2% còn 0% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.
Thực tế, dịch COVID-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam và hi vọng về khả năng vực dậy của ngành hàng tỉ đô đầy hứa hẹn này.
Bằng chứng là theo số liệu của Tổng cục hải quan, 3 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 2,73 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng cùng năm ngoái.
Bên cạnh đó các hiệp định CPTPP, EVFTA thời gian tới đi vào hoạt động sẽ càng tăng khả năng kết nối và ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Ngoài ra trên thực tế, hầu hết nhà máy sản xuất đồ gỗ ở Trung Quốc và các nước đối thủ của Việt Nam vẫn chưa hoạt động trở lại hoàn toàn, hoặc đang hoạt động cầm chừng. Do đó, các khách hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản... đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường thay thế, trong đó nổi bật là khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Phó Chủ tịch HAWA chia sẻ.