Kì lân gãy sừng của Jack Ma ám ảnh nhà đầu tư
Đòn hiểm từ PBoC
Hai tháng trước, nhà đầu tư "đông như kiến" rót tiền vào Ant Group với hy vọng "hốt bạc" từ thương vụ IPO của gã khổng lồ fintech này. Một số cái tên nổi bật có thể kể ra như Warburg Pincus, Carlyle, Temasek và GIC.
Khi đó, giới phân tích nhận định thương vụ IPO của Ant có thể huy động đến 35 tỷ USD, vượt mặt Saudi Aramco hồi năm ngoái với 29 tỷ USD. Trên Bloomberg, cây bút Shuli Ren nhận xét: "Không nghi ngờ gì nữa, gã khổng lồ fintech Trung Quốc đang được xem là viên ngọc quý với mức tăng trưởng doanh số và lợi nhuận đáng ghen tị".
Hôm 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã triệu tập các giám đốc của Ant và yêu cầu họ "chấn chỉnh" các dịch vụ cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản. Ant sẽ phải tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ thanh toán.
Dù không trực tiếp yêu cầu Ant ngừng hoạt động, PBoC lại nhấn mạnh rằng Ant cần phải "hiểu được mức độ cần thiết của một cuộc đại tu hoạt động kinh doanh" và phải sớm đưa ra một kế hoạch phù hợp.
Động thái mới của PBoC là một đòn giáng mạnh vào Ant, công ty fintech sắp chạm ngưỡng vốn hóa 300 tỷ USD ngay trước khi niêm yết vào tháng 11. Thậm chí, Ant từng có mức định giá trước IPO lên tới 280 tỷ USD, vượt qua ByteDance trong danh sách kỳ lân toàn cầu.
Thành công ban đầu của Ant liên quan đến ứng dụng thanh toán phổ biến Alipay. Song, doanh thu thực sự của "viên ngọc quý" này lại được tạo ra từ các tính năng bổ sung, Bloomberg nhấn mạnh.
Kìm hãm triển vọng tăng trưởng
Theo bản cáo bạch của Ant, 63% doanh thu của công ty trong 6 tháng đầu năm nay đến từ nền tảng tài chính kỹ thuật số và 36% từ dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ thương mại. Trong quá khứ, tỷ trọng của dịch vụ thanh toán kỹ thuật số trong doanh thu của Ant thường cao hơn.
Động lực chính cho mức tăng trưởng trên là mảng kinh doanh CreditTech. Trên CreditTech, Ant sẽ thu phí và hoa hồng cho các khoản vay mà các tổ chức tài chính đối tác phát hành trên nền tảng của họ.
Tuy nhiên, bây giờ Bắc Kinh đã yêu cầu Ant "chấn chỉnh" lại các hoạt động cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản, Bloomberg lưu ý.
Giới chức trách Trung Quốc cũng công khai chỉ trích thái độ ung dung của Ant trước các yêu cầu quản lý, quản trị doanh nghiệp và chênh lệch pháp lý (regulartory arbitrage, tức hiện tượng ngân hàng chuyển các hoạt động kinh doanh rủi ro nhất sang những nơi có quy định lỏng lẻo nhất).
Bằng cách loại bỏ toàn bộ danh mục dịch vụ tài chính của Ant, Bắc Kinh không chỉ làm giảm giá trị "viên ngọc quý" của Jack Ma mà còn đóng băng triển vọng tăng trưởng của công ty này.
So với cùng kỳ năm ngoái, mảng dịch vụ thanh toán của Ant chỉ tăng trưởng 13% trong nửa đầu năm 2020, trong khi mảng tài chính kỹ thuật số tăng vọt 57%. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp xấu nhất, Ant có thể mất 63% doanh thu từ một mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng gần 60%. Nếu vậy, Ant sẽ chỉ còn lại mảng kinh doanh nhỏ và tăng trưởng chậm chạp hơn.
Nghiêm trọng hơn, giá trị mà các dịch vụ tài chính mang lại cho Alipay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo lời Ant mô tả trong bản cáo bạch, trong khi mảng kinh doanh dịch vụ tài chính được hưởng lợi từ mức độ phổ biến của Alipay, lập luận ngược lại cũng đúng.
"Mạng lưới dịch vụ thanh toán và dịch vụ tài chính kỹ thuật số thu hút một lượng lớn người tiêu dùng và doanh nghiệp đến với nền tảng Alipay", Ant nhấn mạnh.
Trong khi Alibaba, Ant và nhà sáng lập Jack Ma phải lo lắng đã đành, các công ty khác trong lĩnh vực fintech cũng rơi vào thế bị động. Tencent Holdings là một ông lớn khác mà các nhà chức trách khó có thể phớt lờ, ngay cả khi các giám đốc của Tencent đã thận trọng hơn khi xử lý các sai sót trong quy định của Trung Quốc.
Chưa đầy hai tháng sau khi kế hoạch IPO bị đổ bể, các giám đốc của Ant đang phải quản lý công ty trong một màn sương mù. Không nghi ngờ gì khi các cổ đông vẫn muốn Ant niêm yết vì đó là cách tốt nhất để họ bán cổ phần. Do đó, ban lãnh đạo của Ant phải nghĩ ra một kế hoạch mới, kể cả khi định giá của Ant đã sụt giảm đáng kể.