‘Không thể doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo khi phát triển chuỗi giá trị bền vững’
Sáng ngày 24/7, Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững diễn ra tại Hà Nội, với sự hiện diện của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan Bộ ngành, các đại biểu từ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp đầu chuỗi, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, khẳng định: "Để thực sự phát triển chuỗi giá trị bền vững, không thể để doanh nghiệp FDI đi một đường, doanh nghiệp Việt đi một nẻo. Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt cần phải liên kết, hỗ trợ nhau cùng vươn lên".
Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đạt những thành quả đáng ghi nhận song những kết quả đó vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do số lượng các DNNVV tham gia chuỗi cung ứng vẫn còn hạn chế.
Ông Dũng chỉ ra hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thường đã có sẵn các giá trị ấy, có sẵn chuỗi cung ứng hoặc mô hình khép kín, cơ hội để các doanh nghiệp khác tham gia rất khó khăn.
Lí do thứ hai là qui mô của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, trình độ về mặt công nghệ, quản lí, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém, chưa có khả năng vốn để nâng cao năng suất, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ ra rằng: "Đôi lúc doanh nghiệp Việt Nam còn có tâm lí e dè, chưa dám làm để có những bước đột phá".
Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo để tìm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay để vươn ra thị trường nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nói các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng trong buổi hội nghị, ông Frank Weiand, Cố vấn kĩ thuật, Dự án USAID LinkSME cho rằng khi tiếp xúc với doanh nghiệp Việt Nam, khó khăn đầu tiên là chia sẻ thông tin doanh nghiệp. Ngoài ra, những điểm yếu trong công tác quản trị, quản lí, quy trình và chất lượng vận hành yếu kém của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng là hạn chế lớn.
Các doanh nghiệp có mô hình DNVVN nhỏ hẹp, trước kia chỉ hoạt động trong nước, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải có những sản phẩm đáp ứng chất lượng nên gặp rất nhiều khó khăn. Ông Frank Weiand muốn các doanh nghiệp và chính phủ nhà nước phải cùng hỗ trợ lẫn nhau để quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, cho biết dịch COVID-19 tác động nặng nề tới kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Vì vậy, Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để cùng hỗ trợ giúp khu vực kinh tế tư nhân phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Mỹ cũng giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững.
"Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các cơ quan bộ ngành các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Cùng với đó là hợp tác với Dự án USAID-LinkSME để triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu", ông Michael Greene nhấn mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 doanh nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, phải hứng chịu những tác động nặng nề. Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.
Trước tình hình đó, các chuỗi cung ứng gián đoạn và đứt gãy, đặc biệt là các DNNVV và doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu. Do doanh thu giảm, họ phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm nhân sự.
Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV do USAID tài trợ (LinkSME) có mục tiêu gia tăng số lượng các DNNVV của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua việc tăng cường năng lực cho các tổ chức trung gian tại Việt Nam.
USAID LinkSME sẽ thúc đẩy việc tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh thông qua thể chế hóa các cải cách chính và tăng cường khung pháp lí để DNNVV phát triển trên toàn quốc.
Điều quan trọng nhất là dự án sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.