Bảng xếp hạng doanh nghiệp toàn cầu đảo lộn vì đại dịch, loạt tên tuổi mới lên ngôi
Một trong những ví dụ điển hình cho sự thăng hạng vượt bậc trong đại dịch là Sea – một hãng công nghệ thông tin Singapore niêm yết tại Sàn Chứng khoán New York (NYSE).
Theo Nikkei Asian Review, vốn hóa của Sea hiện là 57 tỉ USD - cao gấp ba lần đầu năm. Nhờ vậy mà Sea trở thành công ty giá trị nhất Đông Nam Á, vượt qua cả ngân hàng Bank Central Asia của Indonesia.
Hoạt động của Sea cũng tương tự như Tencent Holdings tại Trung Quốc. Sea cung cấp trò chơi điện tử, thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán online – tất cả đều là những lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch. Các công ty quản lí quĩ của Mỹ như Fidelity và Capital gần đây đều rót tiền vào Sea.
Một ví dụ nổi bật khác là Tesla. Tháng 7/2020, vốn hóa của hãng xe điện này đã vượt qua Toyota Motor. Giờ đây Tesla là hãng xe đắt giá nhất hành tinh, bỏ xa các đối thủ đứng sau. Chỉ trong 5 phiên giao dịch, phần tăng thêm trong vốn hóa của Tesla đã vượt xa toàn bộ vốn hóa của Ford, General Motors và Fiat Chrysler cộng lại.
Tesla có lãi trong ba quí gần đây nhưng chưa khi nào ghi nhận lợi nhuận dương trong cả năm tài khóa. Giới phân tích cho rằng Tesla nằm trong số ít những công ty có thể phát triển thịnh vượng trong ngành xe hơi đang thoái trào.
Những ngành khác cũng chứng kiến sự chuyển đổi tương tự. Ngày 8/7 vừa qua, vốn hóa của Nvidia đã vượt qua Intel nhờ vào nhu cầu tăng cao đối với các trung tâm dữ liệu – sản phẩm chủ lực của Nvidia. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành và nhiều người làm việc từ xa, xu hướng số hóa hoàn toàn đang ngày càng thịnh hành.
Trong ngành thực phẩm và đồ uống, hãng rượu Quý Châu Mao Đài của Trung Quốc (Kweichow Moutai) nhắm đến các khách hàng cao cấp bằng hàng loạt sản phẩm mới và giờ đây đang bắt kịp ông lớn trong ngành là Nestle. Hiện nay vốn hóa của Mao Đài đã vượt qua cả Coca Cola.
Theo phân tích của Nikkei dựa trên số liệu của FactSet, bảng xếp hạng vốn hóa 1.000 doanh nghiệp toàn cầu tháng 6/2020 có sự biến động lớn nhất kể từ tháng 12/2008.
Sự xáo trộn này là hệ quả tất yếu của một thị trường chứng khoán biến động thất thường: Nhà đầu tư thay đổi danh mục và dòng tiền đầu cơ chảy vào một số cổ phiếu, làm bảng xếp hạng đảo lộn.
Chẳng hạn khi bong bóng công nghệ vỡ tan năm 2000, công ty thiết bị viễn thông Lucent Technologies của Mỹ trượt hạng trong khi các công ty dầu khí lại thăng tiến không ngừng nhờ nhu cầu năng lượng tăng lên ở các thị trường mới nổi.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thu nhập của gia đình trung lưu tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế mới nổi khiến nhu cầu đối dòng điện thoại cao cấp lên cao thay cho dòng giá rẻ Nokia. Hệ quả là vốn hóa của Apple vượt qua Nokia.
Xu thế dòng tiền gần đây cho thấy đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy quá trình số hóa và phi carbon hóa. Trong nửa đầu năm 2020, trong số 1.000 doanh nghiệp trong top vốn hóa toàn cầu, số công ty trong lĩnh vực năng lượng và vật liệu giảm còn 114 trong khi số công ty trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông tăng lên 138.
Công ty thương mại điện tử Shopify của Canada nhảy vọt từ vị trí 306 vào tháng 12/2019 lên mốc 83 vào tháng 6/2020. Tại Trung Quốc, ứng dụng thương mại điện tử và giao hàng Meituan Dianping trỗi dậy mạnh mẽ trong vai trò một công ty IT đầy tiềm năng. Vốn hóa của Meituan Dianping giờ đây đang tiến gần tới Alibaba.
Tập đoàn dầu mỏ của Anh và Hà Lan Royal Dutch Shell đã quyết định xóa sổ 22 tỉ USD tài sản do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới thị trường năng lượng. Chỉ vài năm trước, Shell còn ở trong top 10 vốn hóa thì giờ đây đã tụt xuống vị trí thứ 75. Đại gia này đang phải chật vật sinh tồn trong bối cảnh thế giới đang ngày càng nỗ lực đẩy lùi phát thải carbon.
Trong khi đó, Nikola – hãng xe tải điện của Mỹ hiện có vốn hóa lên tới 20 tỉ USD dù chưa bán được bất kì chiếc xe nào.
Ông Hiroshi Matsumoto – Giám đốc quản lí tài sản tại Pictet Asset Management nhận định: "Thị trường chứng khoán có thể đang quá nóng nhưng nhà đầu tư sẽ luôn luôn tìm kiếm tăng trưởng tương lai".