|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu công nghệ trở thành hầm trú ẩn thời COVID-19

06:32 | 12/07/2020
Chia sẻ
Trong quá khứ, nhà đầu tư thường tìm đến những tài sản phi rủi ro như trái phiếu Kho bạc Mỹ để chống chọi trước những "cơn bão" biến động và bất định của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong khủng hoảng COVID-19, nhà đầu tư lại đi tìm chỗ trú ẩn tại một nơi đầy bất ngờ: cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu công nghệ trở thành hầm trú ẩn thời COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà đầu tư theo dõi màn hình tại sàn Nasdaq. Ảnh: CNBC

Cuộc đua tới đỉnh

Apple, Netflix, Microsoft và Amazon đều tăng tới gần đỉnh hoặc chạm đỉnh lịch sử. Cả 4 cổ phiếu trên đều tăng ít nhất 29% trong năm 2020 và đóng góp lớn cho thành tích vượt trội của chỉ số Nasdaq Composite so với S&P 500 trong năm nay. Tính từ đầu năm tới nay, tỉ suất sinh lợi của Nasdaq là 18% còn chỉ số S&P 500 là -1,4%.

Theo CNBC, Phố Wall ưa chuộng những đại gia công nghệ vì tin rằng mô hình kinh doanh của chúng không chỉ chống đỡ được suy thoái do COVID-19 gây ra mà thậm chí còn tăng trưởng mạnh trong thời kì này. Niềm tin của nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn biến động tương tự với trái phiếu Kho bạc.

Ông Christian Fromhertz, CEO của Tribeca Trade Group nói: "Rõ ràng, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trên khắp nước Mỹ đã khiến mọi người đổ xô vào cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu công nghệ là những kẻ chiến thắng và sẽ tiếp tục được hưởng lợi cho đến khi điều gì đó thay đổi".

Cổ phiếu công nghệ trở thành hầm trú ẩn thời COVID-19 - Ảnh 2.

Biểu đồ minh họa % tăng giá cổ phiếu, mốc là 100.

Trong tuần này, Mỹ ghi nhận nhiều ngày số ca nhiễm COVID-19 mới tăng kỉ lục. Theo số liệu từ Đại học John Hopkins, hôm 9/7, có tới hơn 63.200 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được xác nhận tại Mỹ. Số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày tăng mạnh, lên tới 53.000 người/ngày.  

Số người phải nhập viện vì COVID-19 tại Florida lên cao kỉ cục. Nevada phải hoãn kế hoạch cho phép quán bar mở cửa trở lại.  

Những dữ liệu u ám trên gây áp lực lên giá các cổ phiếu phụ thuộc quá trình mở cửa nền kinh tế. Tính trong cả tuần, American Airlines và United Airlines giảm lần lượt 8% và 10%. Chuỗi bán lẻ thời trang Gap sụt 3%. 

Ngược lại, Big Tech lại tỏa sáng, dù nhóm cổ phiếu này từng được xếp vào hàng rủi ro nhất thị trường chứng khoán Mỹ. Tính trong cả tuần, Microsoft đi lên khoảng 3%, Netflix và Amazon nhảy vọt 10% lên mức giá kỉ lục. Apple cũng chạm đỉnh lịch sử, tăng khoảng 5% so với cuối tuần trước.  

(Big Tech là tên gọi của những công ty công nghệ vốn hóa hàng đầu bao gồm Apple, Netflix, Microsoft, Amazon).

Giá những cổ phiếu trên đi lên cùng với trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm. Đầu tuần, lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm dao động quanh mức 0,7%, sau đó giảm xuống còn khoảng 0,6%. (Lợi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ ngược chiều).

Nhà đầu tư cho biết điều khiến 4 gã khổng lồ công nghệ trở nên cực kì hấp dẫn trong đại dịch COVID-19 là dòng tiền ổn định. Doanh thu định kì cũng là yếu tố quan trọng, khi xét rằng rất khó dự đoán thu nhập doanh nghiệp trong tương lai.

Cổ phiếu công nghệ trở thành hầm trú ẩn thời COVID-19 - Ảnh 3.

Bà Rebecca Felton, nhà quản lí danh mục đầu tư cấp cao tại Riverfront cho biết: "Các công ty này thu hút nhà đầu tư nhờ vào tình hình tài chính vững mạnh và doanh thu đều đặn. Trong môi trường mà tính chu kì có thể trở nên nhạt nhòa, doanh thu đều đặn rất quan trọng".

"Nhà đầu tư cảm thấy an tâm khi gắn bó với cổ phiếu có cả hai đặc điểm là chất lượng và tăng trưởng", bà Felton nói.

Cả Microsoft, Netflix và Amazon đều có các dịch vụ dựa theo mô hình người dùng đăng kí hàng tháng hoặc hàng năm giúp tạo ra doanh thu định kì.

Microsoft Office 365 có 39 triệu người dùng trong quí I/2020, tăng 1,8 triệu người so với quí trước. Amazon có hơn 150 triệu tài khoản Prime trả phí. Hơn 180 triệu người trên toàn cầu trả tiền để xem phim trên Netflix.

Những cổ phiếu này càng trở nên hấp dẫn do có tỉ suất cổ tức cao hơn lợi suất trái phiếu.

Theo FactSet, tỉ suất cổ tức hiện tại của Apple và Microsoft lần lượt là 0,86% và 0,96%. Trong khi đó lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm là 0,6%.

Rủi ro của cổ phiếu công nghệ

Lẽ dĩ nhiên, cổ phiếu luôn luôn rủi ro hơn trái phiếu Kho bạc vì không có sự đảm bảo của chính phủ. Trái phiếu Kho bạc cũng cung cấp cho nhà đầu tư khoản thanh toán lãi định kì cho đến ngày đáo hạn, trong khi đó cổ tức có thể bị cắt giảm bất cứ lúc nào.

Các công ty công nghệ cũng có nguy cơ bị siết chặt kiểm soát, gây áp lực lên giá cổ phiếu.

Ông Chamath Palihapitiya, nhà sáng lập kiêm CEO hãng đầu tư Social Capital cho rằng rủi ro kiểm soát, nguy cơ bị đánh thuế cao hơn và trải nghiệm sản phẩm mới trong tương lai là những lí do khiến cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sẽ mất giá.

"Thành công của nhóm Big Tech không còn dựa vào sản phẩm mới nữa. Những công ty này đã có chỗ đứng vững chắc và thành công của chúng phụ thuộc vào một mớ vấn đề đa phương diện bao gồm cạnh tranh, luật chống độc quyền, thuế và các qui định quản lí nhân với MỖI thành phố, bang, lãnh thổ và đất nước mà chúng hoạt động", ông Palihapitiya chia sẻ ý kiến trên Twitter.

Tuy nhiên, ông David Spika, Chủ tịch GuideStone Capital Management cho rằng việc sử dụng nhóm Big Tech làm "vịnh tránh bão" là điều khôn ngoan khi xét đến chính sách tiền rẻ của Mỹ hiện giờ.

Fed đã giảm lãi suất xuống 0 vào tháng 3 nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Fed cũng tung ra các chương trình kích thích tiền tệ chưa từng có tiền lệ, bao gồm mua nợ doanh nghiệp.

Ông Spika nói: "Khi Fed hạ lãi suất xuống 0, họ thúc đẩy nhà đầu tư chấp nhận nhiều rủi ro hơn để thu được lợi nhuận. Nếu tôi bị ép mua cổ phiếu – mà đây rõ ràng là điều Fed đang làm – tôi sẽ mua những cổ phiếu tôi nghĩ là tốt nhất. Cổ phiếu công nghệ đã trở thành hầm trú ẩn".

Thời gian sẽ cho biết xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu và đến bao giờ Big Tech sẽ trở lại đúng với đặc tính của cổ phiếu thông thường.

Giang