|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Không riêng Việt Nam, nhiều nước lo chống biến động tỷ giá

15:58 | 06/12/2016
Chia sẻ
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm. Biến động tỷ giá là tâm điểm của báo cáo này.

Đón đầu diễn biến

Theo tập hợp của báo cáo trên, nổi bật trong tháng 11 vừa qua là biến động mạnh của tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, Việt Nam không phải cá biệt, mà nhiều quốc gia đã phải trực tiếp can thiệp trước biến động trên thị trường thế giới.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, tại Mỹ, khả năng tăng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuộc họp tháng 12 này gần như chắc chắn, khi những cam kết mạnh mẽ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về các chính sách phục hồi kinh tế thông qua nới lỏng tài khóa (tăng chi tiêu chính phủ và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp) giúp tăng kỳ vọng lạm phát và tiêu dùng.

Tại châu Á, đồng USD tăng giá mạnh đã khiến nhiều ngân hàng trung ương phải can thiệp thị trường nhằm tránh đồng nội tệ của mình giảm quá sâu.

Cụ thể, ngân hàng trung ương Indonesia đã liên tục can thiệp vào tỷ giá bằng cách bán ra USD và mua vào trái phiếu chính phủ nhằm kìm hãm đà giảm của đồng Rupiah.

Malaysia cũng hạn chế khối lượng giao dịch trên thị trường tương lai nhằm giảm thiểu hiện tượng đầu cơ đồng Ringgit. Ngân hàng trung ương nước này thông báo đã can thiệp vào thị trường để bảo vệ đồng Ringgit sau khi đồng nội tệ giảm giá hơn 4% so với USD.

Tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này đã tung ra các biện pháp can thiệp, hạ nhẹ tỷ giá và sử dụng các ngân hàng quốc doanh để ngăn đồng Nhân dân tệ giảm giá quá sâu.

Tại Nhật, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố sẽ sẵn sàng mua vào một lượng trái phiếu Chính phủ Nhật với khối lượng không hạn chế ở mức lợi suất cố định -0,04% đối với kì hạn 5 năm và -0,09% đối với kì hạn 2 năm.

Động thái này của BOJ được cho là nhằm ngăn xu hướng tăng lợi suất của trái phiếu ngân hàng trung ương đang diễn ra tại Nhật và nhiều quốc gia khác, đặc biệt tại Mỹ trước những kì vọng tích cực về lạm phát và tăng trưởng của đầu tầu kinh tế toàn cầu.

Điều này cũng cho thấy cam kết mạnh mẽ của BOJ trong việc giữ vững lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật ở quanh mức 0%.

Loạt can thiệp trên diễn ra sau khi hầu hết các đồng tiền tại châu Á đều giảm giá mạnh so với USD, như Ringgit Malaysia và Rupiad của Indonesia đã giảm tới 6,22% và 4,09% tương ứng chỉ trong tháng 11.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục giảm giá và đã lập đáy trong vòng 6 năm gần, giảm 2,22% so với USD trong tháng 11. So với đầu năm, Nhân dân tệ đã mất giá 6,6%.

Sẵn sàng can thiệp

Tại Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận, thị trường ngoại hối trong tháng 11 vừa qua có đột biến chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới.

Tỷ giá trung tâm liên tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng dần, đến cuối tháng 11 tăng khoảng 1,1% so với đầu năm. Tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng mạnh trở lại sau một thời gian dài ổn định.

Tỷ giá bán tại nhiều ngân hàng thương mại cuối tháng 11 phổ biến trên 22.700 VND/USD.

Theo Ủy ban, nguyên nhân khiến tỷ giá tăng là do USD liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của bầu cử Tổng thống Mỹ; nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm (kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước) và đón đầu khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát cho rằng tín dụng ngoại tệ đang tăng lên. Tính đến 30/10/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm 2015, trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm 9%.

Tuy nhiên, báo cáo trên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: cán cân thương mại cả năm dự báo sẽ vẫn thặng dư, nên biến động tỷ giá trong tháng 11 chỉ là tạm thời.

Dù vậy, Ủy ban cũng nhấn mạnh, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý một số yếu tố không thuận lợi như: FED chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ; lạm phát có chiều hướng tăng.

Như trên, một loạt ngân hàng trung ương đã vào cuộc can thiệp để tránh đồng nội tệ giảm giá quá sâu so với USD.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hai lần lên tiếng định hướng thị trường, linh hoạt điều tiết nguồn tiền và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Đặc biệt, từ ngày 28/11, cơ quan này đã đưa ra động thái can thiệp cụ thể hơn, sẵn sàng bán ra USD để can thiệp với mức giá thấp hơn trần biên độ tới 50 VND.

Minh Đức