|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không còn là thuật ngữ để nói cho sang mồm, nhà máy thông minh sẽ tạo thêm hàng nghìn tỉ USD mỗi năm

15:26 | 07/06/2020
Chia sẻ
Từ ngay tới năm 2023, các nhà máy thông minh sẽ đóng góp 1.500 tới 2.200 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất. Để nâng cao vị thế cạnh tranh, việc xây dựng nhà máy thông minh là điều kiện tất yếu cho mọi doanh nghiệp sản xuất. 

Sự hội tụ của sức mạnh tự động hóa, trí thông minh nhân tạo cũng như sự chuyển đổi mạnh mẽ về trình độ nhân sự là những điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của các nhà máy thông minh. 

Viện Nghiên cứu Capgemini vừa công bố báo cáo mang tên "Smart Factories @ Scale" để cung cấp thông tin về tương lai của nhà máy thông minh. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn khoảng 1.000 nhà điều hành từ những doanh nghiệp có ý định xây dựng nhà máy thông minh, CNBC đưa tin.

Nhà máy thông minh, theo khái niệm của Viện Nghiên cứu Capgemini, là những cơ sở sản xuất tận dụng nền tảng và công nghệ kĩ thuật số để cải thiện mạnh mẽ năng suất, chất lượng, sự linh hoạt và dịch vụ.

Trong tuyên bố kèm theo báo cáo, Viện Nghiên cứu Capgemini nhận định sự tăng năng suất, chất lượng, thị phần và dịch vụ khách hàng sẽ dẫn tới sự tăng lên về lợi nhuận của doanh nghiệp.

Báo cáo nhấn mạnh một số thay đổi trong lĩnh vực đã xảy ra trong vài năm qua. Chẳng hạn, năm 2019, người ta thấy rằng 68% các tổ chức đã có các dự án nhà máy thông minh đang diễn ra so với chỉ 43% trong năm 2017.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá cao tầm quan trọng của 5G - thế hệ mạng di động thứ năm. Báo cáo nêu rõ 5G sẽ trở thành động lực hỗ trợ chính cho các dự án nhà máy thông minh vì các tính năng của nó mang lại cho các nhà sản xuất cơ hội triển khai hoặc nâng cao các ứng dụng theo thời gian thực rất đáng tin cậy.

Mô hình nhà máy thông minh của tập đoàn Siemens. Video: KMPG

Mặc dù vậy, nhiều phương diện về nhà máy thông minh cần được cải thiện. Báo cáo nói rằng 3 thách thức chính đang ngăn cản sự phổ biến của nhà máy thông minh: triển khai và tích hợp các nền tảng và công nghệ kỹ thuật số. an ninh mạng và mức độ sẵn sàng của dữ liệu; và sự phát triển của các kĩ năng mềm và kĩ năng lai.

Đối với việc ứng dụng nhà máy thông minh, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản đang dẫn đầu, còn Hàn Quốc, Mỹ và Pháp thuộc nhóm tiên phong thứ hai.

"Một nhà máy thông minh là hệ sinh thái phức tạp, nơi hiệu quả của các hệ thống sản xuất sẽ là giới hạn tiếp theo, chứ không phải là năng suất lao động", Jean-Pierre Petit, giám đốc sản xuất kĩ thuật số của Viện Nghiên cứu Capgemini, phát biểu.

Peiti nói thêm rằng dữ liệu an toàn, các tương tác thời gian thực và các vòng lặp thực - ảo sẽ tạo ra sự khác biệt. Để khai thác tiềm năng của nhà máy thông minh, các tổ chức cần thiết kế và thực hiện chương trình quản trị mạnh mẽ và phát triển văn hóa vận hành dựa trên dữ liệu.

Khi công nghệ phát triển, cách thức hoạt động của các ngành sẽ thực sự thay đổi. Trên khắp thế giới, các công ty đang chuyển sang chế tạo robot và công nghệ tự động để hợp lý hóa các hoạt động.

Chúng bao gồm Amazon Robotics, một công ty ra đời năm 2003 và thuộc sở hữu hoàn toàn của tập đoàn Amazon. Nó tự động hóa các trung tâm xử lí đơn hàng bằng cách sử dụng một loạt công nghệ như học máy, cảm biến sâu và robot di chuyển tự động.

Cửu Dương