Không còn đủ khả năng chi trả lương Messi, chia tay siêu sao này là cách tốt nhất để Barcelona thoát khỏi vũng lầy tài chính
Một tuần trước, một bản hợp đồng mới có thời hạn 5 năm giữa Barcelona và Lionel Messi dường như đã được hoàn tất, với việc các bên đã đạt được thỏa thuận, và siêu sao người Argentina sẽ ở lại Câu lạc bộ (CLB) xứ Catalan, theo Sportico.
Tuy nhiên, rạng sáng nay, trang chủ CLB Barcelona đã đưa ra thông báo gây sốc với người hâm mộ trên toàn thế giới khi cho biết siêu sao Lionel Messi sẽ chính thức rời CLB do những khúc mắc về tài chính và cơ cấu, theo quy định của La Liga.
Mặc dù đôi bên rất muốn tái ký hợp đồng, nhưng với tình hình nợ nần hiện tại của Barcelona, việc này không còn là chuyện đơn giản với CLB.
Tiến sĩ Stefan Szymanski, đồng tác giả của Soccernomics và là Giáo sư tại Đại học Michigan cho biết: "Barcelona đang rơi vào tình trạng sụp đổ về tài chính. Nền móng không bền vững và việc trả lương cho Messi hiện tại đang quá sức với họ.
Đối với tôi, dường như đây là cái cớ hoàn hảo cho Barcelona. Họ tất nhiên không muốn để Messi ra đi, nhưng với quy định của La Liga, họ có thể đổ lỗi. Đây là cách duy nhất để cứu CLB thoát khỏi sự khủng hoảng về mặt tài chính".
Cầu thủ 34 tuổi người Argentina đã trở thành cầu thủ tự do từ ngày 1/7, thời điểm bản hợp đồng cũ của Messi và đội bóng xứ Catalan hết hạn. Nguồn ngân sách cao nhất giải đấu của Barca là 715 triệu euro (815 triệu USD) cho mùa giải 2019 - 2020 đã bị cắt giảm một nửa.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn thu của đội bóng xứ Catalan cũng gặp nhiều vấn đề. Sau một mùa giải không thu được tiền bán vé, Blaugrana (biệt danh của CLB Barcelona) cũng đang phải đối mặt với việc cắt giảm các hợp đồng tài trợ.
Vì vậy, việc giữ chân Messi là một thử thách. Năm 2013, La Liga đã đưa ra một loạt các biện pháp để các CLB đảm bảo việc chi tiêu có trách nhiệm hơn. Các biện pháp này được áp dụng cho tất cả 42 câu lạc bộ từ giải hạng nhất đến giải hạng hai.
Ngân sách cho mỗi CLB dựa trên các khoản doanh thu, lãi lỗ, đầu tư và trả nợ. Một khi con số này được xác định, các CLB sẽ biết số tiền mà họ có thể chi trong các mùa chuyển nhượng. Mặc dù có giới hạn chi tiêu, nhưng La Liga không áp đặt giới hạn tiền lương cho các thành viên.
Theo Ural Aküzüm, thành viên Hội đồng quản trị câu lạc bộ bóng đá Galatasaray có trụ sở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp mà La Liga áp dụng được thực hiện bởi tất cả các cơ quan quản lý. "Barcelona muốn tạo ra bộ sưu tập siêu sao 'Los Galacticos' của riêng mình với tiền bạc và quyền lực vô hạn, nhưng họ sợ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến giá trị của La Liga".
Trong 30 năm qua, hai CLB lớn nhất của Tây Ban Nha là Barcelona và Real Madrid đã giành tổng cộng 25 chức vô địch La Liga. Ông Aküzüm nói thêm: "Bóng đá sẽ có ý nghĩa hơn khi có sự cạnh tranh. Một hệ thống trong đó kẻ mạnh luôn đánh bại kẻ yếu sẽ làm giảm tính bền vững của giải dấu. Người hâm mộ và cơ quan quản lý không thoải mái với điều này".
Thông tin về Messi xuất hiện sau chưa đầy 24 tiếng về một thông tin thu hút khác liên quan đến La Liga. Ủy ban điều hành của liên đoàn đã nhất trí thông qua kế hoạch thành lập một công ty mẹ mới, cùng với khoản đầu tư từ công ty cổ phần tư nhân khổng lồ CVC Capital Partners, sẽ cho phép họ tiếp cận với hàng tỷ USD nguồn vốn. Kế hoạch này vẫn đang chờ được thông qua, nhưng đã vấp phải sự phản đối của CLB Real Madrid.
Giáo sư Szymanski tin rằng La Liga có thể chứng kiến nhiều sự thay đổi hơn nữa trong thời gian tới. "Hai sự kiện gây chấn động bóng đá thế giới đã đến liên tiếp chỉ trong vài ngày. Mặc dù hai sự kiện này không có mối liên hệ trực tiếp nào với nhau nhưng chúng là đại diện cho sự tiêu biểu cho cuộc khủng hoảng tài chính của bóng đá Tây Ban Nha hiện tại", ông nói.