|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không chỉ các nhà bán lẻ lớn, các mô hình bán lẻ giá rẻ cũng sẽ mạnh hơn sau COVID-19

18:31 | 28/03/2020
Chia sẻ
Dịch viêm phổi cấp COVID-19 sẽ mang tới tương lai triển vọng hơn cho các nhà bán lẻ lớn cũng như những mô hình bán lẻ phục vụ người nghèo ở Mỹ.

COVID-19 làm tăng vị thế của các chuỗi siêu thị giá rẻ

Hôm 27/3, Matthew Boss, nhà phân tích của JPMorgan, nhận định những chuỗi bán lẻ giá rẻ phục vụ người nghèo như Dollar General và Dollar Tree sẽ hưởng lợi sau khi dịch COVID-19 thuyên giảm.

"Ngoài những thương hiệu mạnh, tôi nghĩ các chuỗi bán lẻ giá rẻ sẽ trở nên mạnh hơn nhờ COVID-19. Họ sẽ mở rộng thị phần và qui mô", Matthew Boss nói với CNBC.

Hiện tại, Matthew Boss là một trong những nhà phân tích bán lẻ hàng đầu ở Phố Wall. Những lời bình luận của ông có thể tác động lớn tới thị hiếu của người tiêu dùng.

Matthew Boss nhận định cuộc khủng hoảng COVID-19 và cú sốc kinh tế mà nó gây nên sẽ là tin xấu đối với các cửa hàng bách hóa và cửa hàng chuyên doanh trong các trung tâm thương mại.

Sự lan rộng nhanh của COVID-19 trên lãnh thổ Mỹ dẫn tới tình trạng ngừng bán tạm thời của nhiều cửa hàng, siêu thị kinh doanh sản phẩm không thiết yếu. Song công chúng lo ngại tác động kinh tế sẽ kéo dài hơn dịch. Mootjsoos người còn lo ngai số lượng cửa hàng ngừng hoạt động sẽ tăng tới mức kỉ lục trong năm 2020.

"Mục tiêu số một của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ bây giờ là sống sót", Boss bình luận.

Không chỉ các nhà bán lẻ lớn, các mô hình bán lẻ giá rẻ cũng sẽ mạnh hơn sau COVID-19 - Ảnh 1.

Một siêu thị Dollar General ở vùng nông thôn Mỹ. Ảnh: WBNS

Không chỉ Dollar General và Dollar Tree, các chuỗi siêu thị dành cho người nghèo khác, như Five Below, Burlington,  và Ollie, cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng.

"Nike và Lululemon sẽ là hai trong số những thương hiệu lớn sẽ mở rộng thị phần sau khi nền kinh tế phục hồi. Sự dịch chuyển sang thương mại điện tử của mọi ngành cũng sẽ tăng tốc", ông dự báo.

Cơ hội trời cho của các chuỗi siêu thị lớn

Những chuỗi siêu thị thực phẩm lớn ở Mỹ như Walmart, Albertsons, Stop & Shop, Meijer, Hy-Vee đều đã thử nghiệm những phương thức mới để thực hiện đơn hàng trực tuyến trong vài năm qua. Họ tăng mức độ ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giảm số lượng người mua trong siêu thị, cũng như giảm số lượng nhân viên xử lí đơn hàng của người mua.

Các nhà bán lẻ thực phẩm đang xây dựng những nhà kho tự động qui mô nhỏ bên trong siêu thị và mở "cửa hàng tối" – những nơi giống siêu thị nhưng không đón người mua, mà thực hiện hoạt động giao hàng và chuẩn bị hàng để khách lấy.

Một video quảng cáo của chuỗi siêu thị giá rẻ Dollar Tree. Video: YouTube

Mặc dù vậy, nhu cầu tăng vọt vì COVID-19 đã gây áp lực lớn đối với mạng lưới giao nhận hàng hóa, khiến người mua phải chờ lâu hoặc hủy đơn hàng, hay thậm chí thể hiện sự phẫn nộ.

"Sự tăng vọt của đơn hàng thực phẩm trực tuyến đang gây nên những thách thức đối với vận hành", Bill Bishop, giám đốc công ty tư vấn bán lẻ thực phẩm Brick Meets Clicks, bình luận.

Đương nhiên, các chuỗi siêu thị thực phẩm cũng đang nỗ lực để điều chỉnh và thuê người lao động để đáp ứng nhu cầu tăng lên.

Ông Fleeman của tập đoàn Ahold Delhaize nói rằng tập đoàn đang bổ sung các máy chủ web để xử lí nhu cầu tăng tạo thêm cơ hội để người mua nhận sản phẩm tại điểm bán hoặc nhận hàng tại nhà.

Giới chuyên môn dự đoán sự dịch chuyển sang kênh mua hàng trực tuyến trong thời kì khủng hoảng có thế định hình lại ngành siêu thị bằng cách giúp những chuỗi siêu thị lớn củng cố vị thế của họ.

"Chúng tôi thấy giai đoạn bất hạnh này làm tăng tốc những thay đổi mang tính cơ cấu trong hành vi mua của người tiêu dùng, có thể trong vòng 5 năm. Sự tăng tốc ấy làm tăng mạnh số lượng khách hàng mới đến siêu thị Walmart", Seth Sigman, nhà phân tích của hãng Credit Suisse, bình luận.

Giới phân tích nhận định sự chấp nhận mua thực phẩm trực tuyến của người tiêu dùng có thể làm tăng áp lực mà các siêu thị nhỏ và vừa đang đối mặt. Những chuỗi siêu thị nhỏ không có vốn lớn như chuỗi bán lẻ lớn để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao hàng. Ngoài ra, hoạt động giao hàng tạo ra lợi nhuận nhỏ hơn cho các siêu thị thực phẩm hơn so với những giao dịch truyền thống trong cửa hàng.

"COVID-19 có thể thúc đẩy quá trình chấp nhận giao hàng trực tuyến và nhận hàng ở điểm bán, chạm tới những thách thức dài hạn của các chuỗi siêu thị nhỏ sớm hơn so với kì vọng", Kelly Bania, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường BMO Capital Markets, nhận xét trong một báo cáo nghiên cứu hồi tuần trước.

Cửu Dương