Không bán đồ ăn nhanh: Tử huyệt khiến các cửa hàng không người bán đồng loạt gục ngã
Giới chuyên gia trong ngành nhận định một cửa hàng tiện lợi tự động ở một đô thị lớn như Bắc Kinh cần tạo ra doanh số tối thiểu 5.000-6.000 nhân dân tệ (17-20 triệu đồng) mỗi ngày để có thể có lãi. Một phần lớn doanh số ấy đến từ các hộp cơm, thực phẩm chế biến nhanh, món tráng miệng và những sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn khác, Nikkei nhận định.
Ở Nhật Bản cũng như Trung Quốc, biên lợi nhuận của thực phẩm chế biến sẵn – loại sản phẩm tồn tại lâu hơn so với thực phẩm chế biến nhanh – vào khoảng 25%, trong khi biên lợi nhuận của thực phẩm chế biến nhanh lên tới 40-50%. Nói cách khách, tỷ lệ thực phẩm chế biến nhanh ở cửa hàng tiện lợi càng lớn, mức độ ổn định của hoạt động kinh doanh càng cao.
Một cô gái đứng trong một cửa hàng không người bán ở thành phố Thượng Hải. Ảnh: Nikkei
Nhiều công ty đang muốn hoặc đã vận hành cửa hàng tiện lợi tự động dường như không biết điều ấy. Nếu một cửa hàng tiện lợi chỉ bán những sản phẩm có thể tồn tại lâu như lon nước giải khát, bánh quy hay kẹo, nó sẽ chẳng khác máy bán hàng tự động. Mặc dù khái niệm "cửa hàng tự động" có thể thu hút khách hàng trong thời gian đầu, sự tò mò ấy sẽ nhanh chóng giảm dần rồi biến mất.
Một vấn đề khác là dường như cửa hàng tiện lợi tự động không tận dụng được dữ liệu mà chúng thu thập.
Cửa hàng tiện lợi gặt hái thành công ở Nhật Bản hơn mọi quốc gia trên thế giới vì họ tận dụng hiệu quả dữ liệu. Các cơ quan đầu não của công ty tập trung vào phân tích dữ liệu để hiểu những mặt hàng mà người tiêu dùng quan tâm nhất, lên kế hoạch phát triển sản phẩm mới và bảo đảm các nhà máy sản xuất chúng hiệu quả. Họ cũng xây dựng mạng lưới giao vận để thực hiện hoạt động giao hàng đúng thời gian.
Những doanh nghiệp Trung Quốc gia nhập thị trường cửa hàng tự động đã sử dụng công nghệ để loại con người ra khỏi cửa hàng, nhưng có thể họ đã bỏ qua những thành phần khác trong công thức.
Một cửa hàng tiện lợi tự động giống hệt máy bán hàng tự động ở thành phố Bắc Kinh. Ảnh: Nikkei
Một số doanh nghiệp đang học hỏi. Alibaba vừa thành lập một chuỗi siêu thị mang tên Freshippo để bán hàng tạp hóa tươi và món ăn nhanh. Các cửa hàng của họ vẫn tận dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại di động và các công nghệ hiện đại khác, song vẫn sử dụng nhân viên để hỗ trợ khách hàng.
Chỉ sau hai năm, phong trào mở các cửa hàng tiện lợi không người bán đã kết thúc. Song những người, doanh nghiệp rút ra bài học từ những thất bại vẫn có thể vươn tới thành công với mảng bán lẻ trong tương lai.