|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Jack Ma sắp ra đi, Alibaba rốt ráo 'đốt' tiền để nuôi động lực tăng trưởng mới

15:57 | 16/05/2019
Chia sẻ
Để chuẩn bị cho thời kì hậu Jack Ma, tập đoàn Alibaba đang vung tiền cho những động lực tăng trưởng mới như dịch vụ lưu trữ đám mây.

Năm ngoái, tỉ phú Jack Ma đến châu Phi hồi trong hai tháng để gặp các nguyên thủ quốc gia ở lục địa đen và quảng bá quỹ hỗ trợ doanh nhân trẻ châu Phi. Chuyến đi ấy giúp Jack Ma nhận ra rằng thời điểm thích hợp để ông rút khỏi vị trí điều hành cao nhất của Alibaba đã tới.

"Tôi không nhận bất kỳ cuộc gọi nào từ các cấp dưới trong hơn 60 ngày. Đó là dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng cho sự rút lui của tôi", Jack Ma kể lại tại một cuộc gặp mặt nhà đầu tư vào mùa thu năm 2018.

Jack Ma sắp ra đi, Alibaba rốt ráo đốt tiền để nuôi động lực tăng trưởng mới - Ảnh 1.

Người kế nhiệm tài năng

Vốn là cựu giáo viên tiếng Anh trước khi xây dựng Alibaba trở thành tập đoàn công nghệ có vốn hóa thị trường 453 tỉ USD, Jack Ma đang chuẩn bị cho việc chuyển giao chức vụ chủ tịch tập đoàn vào tháng 9 tới.

Dù Alibaba chuẩn bị kế hoạch của Jack Ma cẩn thận, nhiều người vẫn lo ngại về tương lai của "gã khổng lồ" khi người dẫn dắt có sức hút lớn của tập đoàn không còn chèo lái.

Sau khi Jack Ma giao chức tổng giám đốc điều hành Alibaba cho ông Daniel Zhang hồi năm 2013, ông buông dần các hoạt động hàng ngày của Alibaba. Thực tế ấy không cản trở sự phát triển của tập đoàn. Alibaba đã trở thành một đế chế đa quốc gia tham gia nhiều lĩnh vực gồm bán lẻ, dịch vụ tài chính, truyền thông và điện toán đám mây.

Doanh thu của Alibaba tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 49% trong 5 năm qua. Daniel Zhang, một lãnh đạo kỳ cựu với 12 năm làm việc ở Alibaba, giàm sát sự mở rộng kinh doanh của tập đoàn. Ông đã phát động chiến dịch giảm giá Ngày độc thân (11/11) hàng năm và biến nó thành lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới, vượt qua sự kiện mua sắm Lễ Tạ ơn.

Giờ đây, với Alibaba, người dân Trung Quốc có thể mua hàng, vay tiền, thanh toán hàng hóa bằng ví điện tử và hưởng dịch vụ giao hàng thông qua lưới kho vận của Alibaba. Tập đoàn cũng sở hữu chuỗi siêu thị thực phẩm tươi Freshippo và đang vận hành một ứng dụng đặt mua và giao món ăn trực tuyến. Công ty điện thoại đám mây AliCloud thuộc Alibaba vận hành những dịch vụ ấy.

Alibaba phụ thuộc quá nhiều vào bán lẻ

Daniel Zhang sẽ nhận chức chủ tịch của Jack Ma vào tháng 9 tới giữa lúc tập đoàn đối mặt với nhiều thách thức.

Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Alibaba, đang trải qua giai đoạn giảm tốc tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong gần 30 năm, khiến niềm tin của người tiêu dùng chao đảo. Chính phủ Trung Quốc cũng chủ trương giám sát chặt hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các công ty công nghệ.

Jack Ma sắp ra đi, Alibaba rốt ráo đốt tiền để nuôi động lực tăng trưởng mới - Ảnh 2.

Ông Daniel Zhang, người sẽ đảm nhận chức Chủ tịch tập đoàn Alibaba của Jack Ma vào tháng 9 tới. Ảnh: Deal Street Asia

Ngoài mảng bán lẻ, Alibaba đang tìm động lực tăng trưởng trong tương lai ở các thị trường nước ngoài vào giai đoạn Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ ngày càng khốc liệt. Thực trạng khó khăn khiến nhiều người dự đoán Alibaba không thể duy trì đà tăng trưởng ấn tượng ở thời kỳ hậu Jack Ma.

Trong khi tập đoàn đang đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, đà giảm của Trung Quốc làm bộc lộ rủi ro của Alibaba vì quá phụ thuộc vào mảng kinh doanh thương mại điện tử. 

"Alibaba chưa thấy mảng kinh doanh nào tốt hơn bán lẻ trực tuyến và đó là vấn đề lớn nhất", Ming Lu, nhà phân tích của mạng lưới tài chính Smartkarma ở Thượng Hải, nhận định.

Môi trường pháp lý khó đoán

Một mối lo khác của giới đầu tư là hệ thống chính sách ngày càng khó lường ở Trung Quốc. Hồi tháng 11, Zhou Xuedong, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng một số công ty tài chính của Trung Quốc phát triển bùng nổ nhờ mở rộng quá mức nên chính quyền cần quản lý khẩn cấp.

Sau đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa Ant Financial, công ty công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng của Alibaba và bốn công ty khác vào chương trình giám sát thử nghiệm để giảm các rủi ro nợ.

Joseph Fan, giáo sư ngành kinh doanh tại Đại học Trung văn Hương Cảng (Hong Kong), phát biểu: "Sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc giúp Alibaba phát triển thành một đế chế kinh doanh khổng lồ như vậy.  Tương lai của Alibaba chắc chắn không phụ thuộc vào Jack Ma hay những người kế nhiệm ông, mà phụ thuộc vào việc liệu chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của Alibaba như trước đây hay không và liệu các quy định quản lý sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho Alibaba hay không".

Tổng giám đốc Daniel Zhang vẫn đang tìm các lĩnh vực tăng trưởng mới - như số hóa các siêu thị truyền thống của Trung Quốc và mở rộng mảng kinh doanh điện toán đám mây, nơi lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cho các công ty khác. Các dịch vụ đám mây của AliCloud trở thành nguồn doanh thu lớn thứ hai của Alibaba. Doanh thu từ dịch vụ lưu trữ đám mây tăng 20 lần trong bốn năm qua lên mức 21,34 tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái. Dù con số ấy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Alibaba nhưng Zhang nhận định điện toán đám mây có thể phát triển vượt xa cả mảng thương mại điện tử trong tương lai.

Nhà phân tích Daniel Law của công ty Guotai Junan International, lưu ý Alibaba đang "đốt tiền" để nuôi cỗ máy tăng trưởng tiếp theo. Năm ngoái, tập đoàn xác nhận họ chi 3 tỉ nhân dân tệ trong ba tháng để trợ giá dịch vụ cho đơn vị giao đồ ăn trực tuyến Ele.me nhằm cạnh tranh với đối thủ Meituan Dianping do tập đoàn Tencent hậu thuẫn.

Ngược lại, mảng kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba, dù có mức doanh thu tăng trưởng siêu tốc, vẫn lỗ hơn 5,5 tỉ nhân dân tệ.

"Cách kiếm tiền từ các mảng kinh doanh mới hoặc làm thế nào để đạt sự cân bằng giữa chi tiêu và tăng trưởng có thể là một trong những bài toán mà Alibaba phải giải trong tương lai", ông Law nhấn mạnh.

Nhạc Dương