Cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản khó mở cửa cả ngày vì thiếu người lao động
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ lao đao
Chủ sở hữu của các cửa hàng nhượng quyền 7-Eleven – những người bắt buộc phải làm việc dù bão tuyết hay lúc gia đình có tang, đã đề nghị công ty sở hữu thương hiệu 7-Eleven cho phép thay đổi giờ đóng cửa.
Theo Reuters, mặc dù cuộc tranh luận tập trung vào hoàn cảnh của các chủ cửa hàng tiện lợi, nhưng nó cũng làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của ngành công nghiệp trị giá 100 tỉ USD phải đối mặt với dân số già, tăng trưởng kinh tế chậm và các đối thủ cạnh tranh mới nhập cuộc như Amazon Prime.
"Câu hỏi đặt ra là, nhu cầu đối với các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24 giờ cao đến đâu trong thời đại mua sắm trực tuyến đang mở rộng", Ông Takayuki Kurabayashi, một đối tác của Viện nghiên cứu Nomura chuyên tư vấn cho ngành bán lẻ, phát biểu.
Các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản bắt đầu mở rộng vào những năm 1970 khi dịch vụ 24/24 giờ của họ hoàn toàn phù hợp với đất nước dày đặc dân cư và có văn hóa làm việc đến tận đêm.
Cửa hàng tiện lợi với ánh sáng rực rỡ ở khắp nơi và là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại của Nhật Bản, cung cấp mọi thứ từ cà vạt đến hộp cơm trưa "bento" cho những người thành thị. Những người dân vùng nông thân Nhật Bản đến các cửa hàng để lấy bưu kiện và sử dụng ATM. Thậm chí chúng còn trở thành nơi cư trú trong các thảm họa như động đất.
Biển hiệu một cửa hàng 7-Eleven. Ảnh: Reuters.
Hệ thống nhượng quyền đã thúc đẩy việc mở rộng trên toàn quốc, đưa tổng số cửa hàng lên tới khoảng 58.000 vào năm ngoái. Phần lớn được điều hành bởi ba công ty lớn: 7-Eleven, có nguồn gốc từ Hoa Kỳ nhưng hiện nay thuộc sở hữu của Nhật Bản; FamilyMart, chi nhánh cửa hàng tiện lợi UNY Holdings,; và Lawson, một công ty con của tập đoàn thương mại Mitsubishi.
Trong nhiều năm, mô hình nhượng quyền cửa hàng phát triển mạnh mẽ. Nhưng bây giờ, nạn thiếu người lao động đang ảnh hưởng đến các chủ cửa hàng.
Một hiệp hội của các chủ cửa hàng tiện lợi cho biết họ đang gặp khó khăn khi thuê đủ nhân viên. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng phải làm việc nhiều giờ liền để giữ cho các cửa hàng mở cửa 24 giờ - một yêu cầu trong hầu hết các hợp đồng nhượng quyền thương mại.
"Tại thời điểm thỏa thuận, chúng tôi không thể thấy trước tình trạng thiếu lao động như hiện tại hoặc việc tăng đột biến mức lương tối thiểu" ông Mitoshi Matsumoto, một thành viên sở hữu một cửa hàng 7-Eleven ở Osaka đề cập đến thoả thuận mà ông và vợ đã ký kết.
Sau khi vợ ông chết năm ngoái, ông bắt đầu đóng cửa trong vài giờ vào ban đêm và bị công ty phạt tiền.
Những lời cầu xin của ông đối với các nhà quản lý và các nhà lập pháp đã thu hút sự đồng cảm rộng rãi ở một đất nước mà "sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc" là một vấn đề nổi cộm, với những trường hợp tử vong do làm việc quá sức.
Nikkei cũng từng đăng một bài về việc các cửa hàng tiện lợi nên thay đổi giờ làm việc hợp lý ngay cả khi người tiêu dùng chịu những bất tiện nhỏ.
7-Eleven sẽ thử nghiệm giờ đóng cửa sớm hơn tại một số cửa hàng
Trước áp lực đó, công ty sở hữu thương hiệu 7-Eleven thông báo họ sẽ bắt đầu thử nghiệm giờ đóng cửa sớm hơn tại 10 trên tổng hơn 20.700 cửa hàng. Công ty nhấn mạnh rằng sự thay đổi là thử nghiệm và công ty vẫn chưa thay đổi hình thức cung cấp dịch vụ 24-7.
Roy Larke, người phân tích ngành bán lẻ Nhật Bản và biên tập viên của JapanConsuming.com, nhận định lĩnh vực này đang bão hòa và việc hợp nhất là xu hướng không thể tránh.
Katsuhiko Shimizu, phát ngôn viên của Seven & i Holdings, công ty sở hữu 7-Eleven không đồng ý. "Vẫn còn cơ hội cho sự đổi mới", ông nói, ám chỉ các nỗ lực kết hợp tự động hoá, trí tuệ nhân tạo trong quá trình vận hành đến việc thanh toán.
Mặc dù cửa hàng tạp hóa và dịch vụ giao hàng trong ngày của Amazon là mối đe dọa, các cửa hàng tiện lợi cũng đang tung ra các nền tảng trực tuyến, liên kết của họ với các siêu thị truyền thống và mạng lưới hậu cần được coi là lợi thế.