|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp - thế hệ mới, tâm thế mới

09:40 | 17/02/2018
Chia sẻ
Khởi nghiệp là gì? Còn một vài tranh cãi về chữ nghĩa. Có vẻ như nhiều người vẫn chưa ngã ngũ về cách hiểu khái niệm này, nhất là trên thực tế diễn đạt. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những khác biệt tiểu tiết và nhấn mạnh đến bản chất của khái niệm này, có thể định nghĩa khởi nghiệp trong cách hiểu phổ biến hiện nay là khởi đầu một công việc kinh doanh, hình thành một doanh nghiệp - bất kể lớn nhỏ - hàm chứa yếu tố sáng tạo, và chấp nhận sự không chắc chắn về kết quả.
khoi nghiep the he moi tam the moi Những nhà khởi nghiệp trẻ bước ra từ ngõ hẹp
khoi nghiep the he moi tam the moi Ý tưởng 'triệu đô' từ sự cố với bó hoa trong Ngày Valentine

Từ Đông Kinh Nghĩa Thục

110 năm trước, như là hệ quả của cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỷ 20, Đông Kinh nghĩa thục ra đời. Tư tưởng duy tân được thể hiện khá rõ ràng và có hệ thống thông qua chương trình giảng dạy và sách giáo khoa. Không được may mắn như Nhật Bản đã lựa chọn con đường mở cửa, duy tân đất nước trước đó khá lâu và đến thời điểm đó đã là một mẫu hình gợi mở giải pháp cho các nước đồng chủng, đồng văn nhưng thế hệ trí thức Đông Kinh Nghĩa Thục - mà đa phần xuất thân từ nền giáo dục khoa cử, từ chương - đã có nhiều đột phá có tính cách mạng về tư tưởng và hành động theo đường hướng duy tân.

Hãy hình dung một thế kỷ trước, các trí thức cựu học này đã tố cáo lối giáo dục nặng về mục tiêu thi cử, đỗ đạt theo lối từ chương, gọi nó là “khoa cử thối nát”, “khoa cử nọc độc”, cổ vũ tinh thần giáo dục thực nghiệp, thực học, rồi nay, sau hơn một thế kỷ tâm lý xã hội của chúng ta vẫn còn loay hoay chưa thoát ra được một cách triệt để. Hãy hình dung trong một bối cảnh mà làm quan, làm công chức bất kể nhỏ hay lớn để có một cuộc sống ổn định, an toàn, được vinh hiển đã là mộng ước của nhiều người, mà các sỹ phu bấy giờ lại cổ động nhiệt tình cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp. Hãy đối chiếu thêm những gì mà nay như người đứng đầu Chính phủ gọi là “bổ nhiệm người nhà”, một xu hướng độc hại vô cùng, khi mà một số không ít người trẻ, con cái quan chức có điều kiện, có học vấn, và có thể - cả tài năng, được tiếp xúc với môi trường văn hóa, kinh doanh ở những nước phát triển nhất lại dồn hết mọi nỗ lực vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng vào “quan trường”. Chúng ta sẽ thấy giá trị lớn lao của những hạt mầm mà những sỹ phu yêu nước này đã gieo vào mảnh đất tư tưởng của dân tộc Việt.

Đến thời hiện tại

Tinh thần của cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỷ 20 cũng như các cuộc vận động theo đường hướng đó đã làm thay đổi tâm lý của xã hội Việt Nam khá nhiều. Tuy nhiên, nhìn lại - trên một mặt bằng có tính đại chúng - xã hội chúng ta vào thời đó, vẫn chưa thoát khỏi tâm lý ưa thích sự ổn định, an toàn, ngại mạo hiểm, ngại nghĩ mới và nghĩ lớn... vốn là những tố chất vô cùng cần thiết cho tinh thần khởi nghiệp.

Thế rồi, chưa kịp gầy dựng tinh thần của một quốc gia khởi nghiệp, chúng ta lại phải trải qua một thời kỳ thường được gọi bằng cụm từ “quan liêu bao cấp”. Dài, ngắn có khác biệt giữa hai miền nhưng thời kỳ này đã để lại những di chứng nặng nề về phương diện tâm lý cộng đồng, về thái độ đối với kinh doanh, về tâm thế mặc cảm của doanh nhân. Nó gần như triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp và trên thực tế đã gần như làm được điều đó. Nó làm cho con người trở nên thụ động, đúng hơn là tìm cách xoay xở trong những phạm vi hẹp, tìm kiếm những giải pháp vụn vặt, nhất thời, đối phó… và hậu quả là hình thành nên những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, thiếu trật tự luật pháp và về bản chất rất dễ xâm hại lợi ích cộng đồng. Nó cũng làm sống lại ở một cấp độ cao hơn tâm lý lập thân bằng con đường làm người nhà nước và đo lường sự nghiệp của một người bằng các nấc thang phẩm trật. Thậm chí làm các công việc sản xuất - kinh doanh vẫn với tâm thế của một cán bộ nhà nước được phân công chứ không phải trên tinh thần doanh nhân. Lại nữa, nó dị ứng với mong muốn làm giàu, người giàu, thậm chí ghét giàu, nhưng lại mở ra cơ hội trục lợi không nhỏ cho những người nghĩ khác với lối nghĩ phổ quát của cộng đồng. Nói tóm lại nó làm thui chột tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp trên bình diện xã hội.

Thế hệ khởi nghiệp mới rõ ràng là phải gánh những di chứng nặng nề không phải ngày một ngày hai có thể vượt thoát.

Nhưng cần nhìn nhận đúng những khía cạnh tích cực của thế hệ mới này. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin và sự giao lưu quốc tế dễ dàng hơn, đa số trong họ đã có tầm nhìn vượt thoát khỏi biên giới quốc gia, không còn mù mờ, loay hoay trong những giới hạn địa lý. Mặt khác, họ có kiến thức bắt nguồn từ nền tảng học vấn căn bản hơn nhưng cũng trên cơ sở học hỏi không ngừng từ sự phổ cập của Internet, từ thực tiễn kinh doanh. Đặc biệt, họ không còn lúng túng với những nhận thức sơ sài, lộn xộn, chắp vá về kinh tế thị trường như những doanh nhân thời đầu mở cửa mà phần lớn đã có hiểu biết khá thấu đáo. Họ có kiến thức và kỹ năng quản trị tốt hơn nhiều. Nhưng điều đặc biệt có ý nghĩa nhất là một tâm thế mới mẻ của thế hệ khởi nghiệp mới. Họ hầu như thoát ly những mặc cảm một thời và thoát ly cả những định kiến của một xã hội tiểu nông, chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo và tinh thần phong kiến. Trong một bối cảnh khá phức tạp như hiện nay, nhiều xu hướng tiêu cực, độc hại đang tồn tại đan xen, không ít người trẻ đã lựa chọn - với một tâm thế tự tin và tự trọng – con đường khởi nghiệp nhiều chông gai, đòi hỏi tinh thần mạo hiểm. Có khá nhiều người không coi bằng cấp là mục đích mà chỉ là hình thức thể hiện kiến thức và kỹ năng, hơn nữa không coi bằng cấp tốt phải đi kèm với việc phải được trọng dụng từ hệ thống nhà nước mà sẵn sàng tự thân nỗ lực chứng minh tài năng bằng khởi nghiệp. Họ cũng sẵn sàng vứt bỏ thói sĩ diện hão để lăn lộn, trải nghiệm thực tế kinh doanh ở những vị trí thấp đến rất thấp trong thang bậc của sự thăng tiến để học hỏi, để tích lũy kinh nghiệm...

khoi nghiep the he moi tam the moi
Đầu tư và điện gió không chỉ cần sự táo bạo mà quan trọng cần sự hiểu biết, làm chủ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ... Ảnh: Hưng Thơ.

Những điều đó tưởng chừng là đơn giản và đôi khi thật bình thường khi chúng ta chỉ so sánh với các nước cùng thời mà thiếu một cách tiếp cận lịch sử. Những ai đã trải nghiệm, đã nghiên cứu và theo dõi tiến trình hình thành tinh thần khởi nghiệp sẽ thấy là nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Kỳ vọng gì vào thế hệ khởi nghiệp mới

Tuy nhiên, do quán tính của quá khứ và do chính những tác động từ những yếu tố tiêu cực của môi trường kinh doanh trong một giai đoạn quá ư đặc thù, đan xen quá nhiều những xu hướng mâu thuẫn; rõ ràng còn nhiều hạn chế mà xã hội vẫn phải kỳ vọng vào những đổi mới tự thân của thế hệ khởi nghiệp mới.

Thứ nhất, mỗi cá nhân, mỗi nhóm khởi nghiệp, mỗi doanh nhân cần góp phần vào việc hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh là một nhân tố cơ bản của thị trường. Chất lượng của môi trường cạnh tranh quyết định hiệu quả phân bổ nguồn lực của thị trường. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, không ai không thấy những vấn đề làm lệch lạc, méo mó môi trường cạnh tranh. Cứ nhìn vào những đại án sẽ thấy rõ điều đó. Dĩ nhiên, cải thiện môi trường cạnh tranh là việc thuộc trách nhiệm của nhà nước và được quyết định bởi nhà nước nhưng đó không phải là việc mà cộng đồng doanh nhân có thể phủ nhận trách nhiệm. Phải hiểu chúng ta vừa là nạn nhân nhưng cũng là tác nhân của cơ chế. Và bên cạnh nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm cải sửa môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nhân thông qua các tổ chức của mình cũng cần những cố gắng theo những cách riêng của mình đóng góp vào tiến trình đó.

Thứ hai, chúng ta cũng kỳ vọng vào một thế hệ doanh nhân có căn bản đạo đức dựa trên những giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại văn minh – sự chính trực, tinh thần bao dung, lòng trắc ẩn, niềm tin vào sự thật, sự công bằng, cái đẹp và cái thiện. Là doanh nhân trong một môi trường vẫn còn quá phức tạp, tốt xấu đan xen, xã hội không thể đòi hỏi họ suy nghĩ và hành xử theo chuẩn mực của một nhà đạo đức. Đã đành là họ phải thích ứng, mềm dẻo, uyển chuyển trong những tình huống cụ thể và đó cũng là một phẩm chất doanh nhân. Nhưng chúng ta cũng cần kỳ vọng ở họ tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà sự bất biến chính là những giá trị nhân văn cốt lõi nói trên. Mặt khác, hình tượng doanh nhân sẽ đẹp lên nhiều nếu họ chịu khó tích lũy kiến thức, cầu thị học hỏi để có một nền tảng văn hóa rộng hơn, vững hơn, cao hơn những gì mà thị trường đòi hỏi. Và từ nền tảng đó chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều hơn cách thức hành xử hay, đẹp, xứng đáng với vị thế đáng được tôn trọng của tầng lớp doanh nhân.

Thứ ba, xã hội cũng kỳ vọng ở những người trẻ khởi nghiệp thành công tránh xa vết xe đổ của phong cách đại gia, đại ca. Họ cần vượt thoát những cám dỗ chết người của thói quen tôn sùng quá đáng sự hưởng thụ và phô trương sự hưởng thụ; sự sùng bái quyền lực của đồng tiền và những thứ quyền lực tha hóa; thói kết bè kéo cánh mà biểu hiện cao nhất là nhóm lợi ích; liều lĩnh bất chấp mọi thứ kiểu “múa gậy vườn hoang” để tranh đoạt quyền lợi mà vẫn cứ ngộ nhận là cạnh tranh thị trường, vẫn cứ biện bác là tinh thần quyết liệt hành động để đạt mục đích. Họ cần luôn đặt mình trong khuôn khổ pháp quyền, thậm chí như người đang đi trên một đoạn đường vắng ngắt vẫn phải dừng lại khi đèn đỏ. Họ cũng cần nuôi dưỡng những tình cảm cao thượng nếu muốn xây dựng hình tượng doanh nhân chân chính.

Thứ tư, khỏi nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo và tinh thần dám chấp nhận rủi ro. Cần khiêm tốn nhìn nhận là xã hội chúng ta – từ trong quá khứ - vốn hơi thiếu tinh thần này. Chẳng hạn, là một quốc gia ven biển, có bờ biển chạy dọc dài đất nước, có vị trí vô cùng thuận lợi, chúng ta vẫn chỉ loanh quanh với những hoạt động kinh tế “gần bờ” là chủ yếu... Cũng như trong thời hiện đại, chúng ta đã chứng kiến những đợt sóng đầu tư ào ạt theo kiểu phong trào vào chứng khoán, vào bất động sản, vào khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống,... Để thấy là xã hội kỳ vọng nhiều vào những người trẻ khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh mới mẻ, sáng tạo, và táo bạo.

Nhưng cũng tuyệt đối đúng nếu chúng ta cho rằng, xã hội mà trước hết là toàn bộ hệ thống chính trị cần tạo điều kiện, cần kiến tạo môi trường để cho các hoạt động khởi nghiệp nở rộ và phát triển đúng hướng. Đó là điều kiện tiên quyết. Mặt khác, mỗi một công dân cũng cần có ý thức động viên, hỗ trợ những hoạt động khởi nghiệp, trân trọng, nâng niu những hạt mầm tốt đẹp, phê phán những biểu hiện tiêu cực, nhưng đừng định kiến, dập vùi. Mỗi người trong chúng ta cần luôn cảnh giác với những quán tính cố hữu về cung cách phê phán, hoặc ngợi ca (đến mức thần tượng hóa) hơi cảm tính.

Rồi chúng ta sẽ có thật nhiều hy vọng vào quá trình hình thành một quốc gia khởi nghiệp. Và đó cũng là cách mà đất nước chúng ta sẽ có được vị thế xứng đáng với tầm vóc của mình. 

Lâm Chí Dũng