|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp đừng trông vào vốn ngân hàng, nên học từ U22 Việt Nam

07:06 | 12/12/2019
Chia sẻ
Việt Nam đang có một lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng không ít trong số đó “chết yểu”, nguyên nhân chính do thiếu vốn, người đồng hành...

Đây là vấn đề được đưa ra tại diễn đàn Thanh niên Việt Nam sáng tạo khởi nghiệp, trong khuôn khổ Đại hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội.

Bàn về vấn đề khởi nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, đa số CEO của các công ty khởi nghiệp còn rất trẻ, thậm chí tuổi đời chưa tới 25, vấn đề vốn luôn là bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu. Nhiều doanh nghiệp “đứt gánh giữa đường” cũng do thiếu vốn.

Khởi nghiệp đừng trông vào vốn ngân hàng, nên học từ U22 Việt Nam - Ảnh 1.

Thiếu vốn, thiếu Mentor là những khó khăn chung của không ít các Start up hiện nay. (Ảnh minh họa, KT)

Anh Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thẳng thắn cho rằng: “Khởi nghiệp muốn thành công đừng bao giờ trông đợi vào vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp khác cũng không có trách nhiệm với bạn”.

Theo anh Nguyễn Đức Tùng, thực tế khởi nghiệp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn cao. Trong khi bản thân các ngân hàng cũng phải vay tiền từ các tổ chức, cá nhân khác, phải vận hành cả hệ thống và đội ngũ nhân viên, nên không thể chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào những dự án rủi ro.

“Vậy cần kêu gọi vốn từ đâu? Các bạn nên tìm các quỹ đầu tư và luôn đặt mình trong vị trí chia sẻ lợi ích, đừng bao giờ có suy nghĩ một mình ôm khư khư quyền sở hữu ý tưởng, nếu có ai đó muốn góp vốn đầu tư hay mua lại các bạn nên suy nghĩ. Các bạn cũng có thể đến các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để nhận được hỗ trợ về vốn”, anh Tùng cho biết.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng cho hay, hiện Trung ương Đoàn và Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ thành lập Quỹ thanh niên Việt Nam khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên để cho ra đời quỹ này vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đang làm việc với hơn 20 quỹ đầu tư khác nhau để tìm vốn hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Phùng Ngọc Hiển (Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bình Dương lại cho rằng) khó khăn lớn nhất của người trẻ khi khởi nghiệp là kiến thức và kinh nghiệm. Nhiều mô hình khởi nghiệp vẫn theo cảm tính, phong trào, các start-up chưa hiểu được những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ, marketing... 

Việc thiếu kiến thức, thiếu cả sự hỗ trợ, chỉ bảo từ các Mentor (người tư vấn) khiến không ít doanh nghiệp phá sản, thậm chí thất bại khi còn “trứng nước”.

Đại biểu Phùng Ngọc Hiển cho rằng, để khởi nghiệp thành công, cần đi từ gốc rễ vấn đề là giáo dục, đào tạo, để ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn trẻ đã hiểu thế nào là khởi nghiệp và cần chuẩn bị những gì nếu muốn khởi nghiệp.

Giống như việc học ở trường, nếu muốn khởi nghiệp, ngoài yếu tố vốn, kỹ năng quản trị, các bạn trẻ cần tìm cho mình những Mentor giỏi, những doanh nhân từng thành công để lắng nghe họ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm.

“Để khởi nghiệp thành công cũng giống như thành công của đội U22 Việt Nam cần hội tụ rất nhiều yếu tố. Các thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản, thi đấu cọ xát ở nhiều giải đấu khác nhau, họ được huấn luyện từ khi còn nhỏ và đặc biệt là được huấn luyện viên Park Hang Seo có tài cầm quyền, truyền cảm hứng”, đại biểu Hiển nói.

Vận động viên khuyết tật hết thời về bán vé số, cần hỗ trợ khởi nghiệp

Từng là vận động viên bơi lội của Đoàn thể thao TP HCM, sau đó bước ra khởi nghiệp, chị Huỳnh Thị Kim Hoàng (Long An) cho hay, hiện nay không ít các vận động viên khuyết tật tham gia tập luyện, thi đấu các giải thể thao. Tuy nhiên, khi đã giải nghệ, việc bắt nhịp lại với những công việc khác hay khởi nghiệp hết sức khó khăn.

“Không ít các vận động viên khuyết tật, hay ngay cả những vận động viên bình thường sau khi hết thời cũng về bán bánh mì, bán vé số kiếm sống qua ngày. Khó khăn đến từ việc tiếp cận vốn, các chính sách, ngay cả việc đăng ký giấy phép kinh doanh nhiều khi cũng rất mệt mỏi. Những địa phương có người yếu thế muốn khởi nghiệp cần có chính sách hỗ trợ riêng”, chị Hoàng cho biết.

Anh Nguyễn Vũ Linh (Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, các hoạt động khởi nghiệp cần đi vào thực chất chứ không chỉ dừng lại ở phong trào. “Nhiều thanh niên vẫn nói về khởi nghiệp sáng tạo, nhưng hiện nay có đến 90% là khởi sự, khởi nghề, tức tự tạo công ăn việc làm kinh tế cho bản thân và người khác, tỷ lệ khởi nghiệp sáng tạo thực vẫn còn rất nhỏ. 

Việc khởi nghiệp nên đi vào thực chất. Khi hỏi, nhiều bạn trẻ nói muốn trở thành Shark này Shark kia, nhưng mỗi vụ lại chỉ bán được 7kg dâu tây. Nhiều bạn muốn làm VietGab nhưng lại không hiểu nó là gì. Từ mong ước đến thực tiễn của các start up hiện nay còn quá xa”.

Anh Nguyễn Vũ Linh cho rằng, nếu không đi vào thực chất thì sẽ rất khó để khởi nghiệp thành công. Hơn nữa, vấn đề khởi nghiệp nên được nâng thành văn hóa khởi nghiệp hay vì phong trào khởi nghiệp để mang tính bền vững và thực chất hơn.

Nguyễn Trang