Khái niệm 'mới mà cũ' về mạng tài chính và những tiện ích làm thay đổi hệ sinh thái khởi nghiệp
Entrepreuner nhận định việc phân loại các mô hình khởi nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải xem xét lại. Cụ thể, nhiều startup đang quá lạm dụng hậu tố "tech" (công nghệ) trong lĩnh vực hoạt động.
Nhiều công ty khởi nghiệp thường tự nhận họ thuộc ngành Med-tech (công nghệ y tế), Edu-tech (công nghệ giáo dục), Prop-tech (công nghệ bất động sản) và Fin-tech (công nghệ tài chính).
Tuy nhiên, trong số các lĩnh vực ấy, công nghệ tài chính dường như là một ngành tương đối khác biệt so với phần còn lại. Fintech không phải là một công nghệ mới, mà là một lớp nền tảng sẽ định hình lại mạng lưới kinh doanh trong tương lai.
Trong tương lai, các mô hình kinh doanh sẽ đều tích hợp thêm hệ thống dịch vụ tài chính số. Những hệ thống này sẽ bao trùm toàn bộ những dịch vụ chúng ta sử dụng trên nền tảng internet, từ mua bán, trao đổi, giao dịch hoặc đầu tư.
Fintech nên được gọi là các mạng tài chính hơn là công nghệ tài chính. Ảnh: Entrepreneur
Vì những lí do này, những dịch vụ tài chính số, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có lẽ nên được gọi là các mạng tài chính hơn là Fintech.
Mạng tài chính, có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn so với Fintech. Nên nhớ rằng các startup khác trong lĩnh vực công nghệ như Proptech, Edutech hay Medtech hầu như đều buộc phải tích hợp công nghệ thanh toán. Do đó, hệ thống mạng tài chính có thể sẽ làm thay đổi cả một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Khả năng quản lí tài chính
Trước đây, những tỉ phú sẽ là khách hàng tiềm năng cho những người có chuyên môn quản lí tài sản. Tuy nhiên hiện tại, nghề "quản lí tài sản" đang dần mai một khi hệ thống mạng tài chính xuất hiện. Các tỉ phú sẽ có một "cố vấn" bằng robot thay vì người thật.
Những "cố vấn" này được tự động hóa và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Với AI, mỗi "robot" sẽ cá nhân hóa tối đa, phụ thuộc vào mục tiêu của "ông chủ". Những cố vấn - robot sẽ giúp cho người tiêu dùng sử dụng thu nhập của mình một cách hiệu quả nhất.
Khả năng minh bạch hóa
Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt tại châu Á, đang gặp khó khăn trong khâu tiếp cận vốn. Họ bị các định chế tài chính truyền thống từ chối giải ngân vì nhiều lí do khác nhau. Ví điện tử và điện thoại thông minh sẽ rút ngắn lại khoảng cách từ cả hai phía.
Thay vì dựa vào điểm tín dụng truyền thống, các mạng tài chính sẽ giúp minh bạch hóa khả năng tín dụng của một cá nhân, tổ chức dựa trên lịch sử tín dụng của họ. Điều này giúp cho hàng triệu người trên khắp châu Á có khả năng tiếp cận vốn để phát triển doanh nghiệp của mình.
Tăng tính linh động trong các giao dịch
Các giao dịch môi giới từ trước tới nay luôn yêu cầu một lượng giao dịch hoặc số tiền kí quĩ tối thiểu nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển của các mạng tài chính cho phép số tiền tối thiểu giảm xuống nhờ sự minh bạch hóa từ hệ thống, cho phép những nhà đầu tư với số vốn nhỏ cũng có thể tham gia thị trường tài chính.
Với mạng tài chính, các giao dịch môi giới sẽ trở nên dễ dàng và linh động hơn. Ảnh: Entrepreneuer
Về phía doanh nghiệp cung cấp mạng tài chính, họ có thể nhanh chóng mở rộng qui mô của mình khi tận dụng xu thế thanh toán không tiền mặt hiện tại.
Tại sao là mạng tài chính?
Mạng tài chính rất có thể sẽ bùng nổ và làm hay đổi hẳn bộ mặt tại châu Á - Thái Bình Dương với sự tiện lợi của nó. Về phía những startup, các nhà sáng lập cần phải cân nhắc kĩ xem sự bùng nổ của mạng tài chính sẽ tác động thế nào lên khách hàng của mình, qua đó cải thiện sản phẩm, dịch vụ theo hướng tốt nhất.
Không chỉ những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các startup trong lĩnh vực khác cũng hoàn toàn có thể tận dụng mạng tài chính để rút ngắn khoảng cách tới khách hàng.