|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hơn 154 công ty fintech ở Việt Nam sẽ giành thị phần bán lẻ của ngân hàng

12:24 | 08/10/2019
Chia sẻ
Việt Nam có hơn 154 công ty trong lĩnh vực Fintech, trong đó 70% là startup. Họ có xu hướng tham gia thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống.

Việt Nam có 154 doanh nghiệp Fintech

Thông tin tại buổi công bố Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam ICT Outlook - VIO 2019) diễn ra ngày 7/10 tại TP HCM cho biết uớc tính trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech. Họ cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư.

Các Fintech đã nhận hàng trăm tỉ USD vốn đầu tư trong vài năm gần đây. Với Fintech, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử, chuyển tiền ngang hàng, thanh toán di động, ngân hàng di động, cho vay ngân hàng, huy động vốn cộng đồng, ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số.

Tiến sĩ Koh Noi Keng, CEO Fintech Academy (Singapore), Cố vấn Phòng thương mại kĩ thuật số Singapore, cho rằng công nghệ thông tin truyền thông đã được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động công nghiệp. 

Đó là chìa khóa giúp Singapore nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng năng suất và chuyển đổi các qui trình kinh doanh trong các ngành như tài chính, dịch vụ và sản xuất.

"Sự xuất hiện của Fintech giống như kẻ phá bĩnh trong lĩnh vực ngân hàng nhưng giờ đây đang được xem như là sự đổi mới sáng tạo và chuyển đổi tất yếu", tiến sĩ phát biểu.

f0bb1a0a986b7e35277a

Tiến sĩ Koh Noi Keng, CEO Fintech Academy (Singapore), Cố vấn Phòng thương mại kĩ thuật số Singapore, phát biểu tại buổi công bố. Ảnh: Như Huỳnh.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech. 

Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay và 22 công ty làm về Blockchain, tiền mã hóa và kiều hối.

Đáng chú ý, có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.

Ông Hoàng Công Gia Khánh, Giám đốc VNUHCM-IBT kiêm Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng các công ty Fintech ở Việt Nam có xu hướng sẽ tham gia chia sẻ thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hoạt động cho vay ngân hàng, ví điện tử, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày.

Với sự thay đổi này, các công ty Fintech có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tài chính truyền thống nhờ các sản phẩm và công nghệ tài chính sáng tạo hơn, cung cấp dịch vụ nhanh hơn hoặc tập trung phục vụ các phân khúc mà các tổ chức tài chính truyền thống chưa đáp ứng được.

Triển vọng nhưng nhiều thách thức

Ông Nguyễn Quang Thi, Giám Đốc Kinh Doanh Công ty Cổ phần Giải pháp Kinh doanh Nền tảng (BASE BS) cho biết trong lĩnh vực Call Center (trung tâm chăm sóc khách hàng), Voice Biometrics (nhận dạng bằng giọng nói) đang là công nghệ bảo mật tiên phong và dần trở thành xu hướng toàn cầu.

"Chỉ trong vòng 2 năm số người đăng kí voiceprint (xác minh giọng nói) đã tăng 80%, từ 60 triệu người đến 137 triệu người. Nhiều ngân hàng top đầu thế giới và khu vực đã áp dụng. Tại Việt Nam, chúng ta có ngân hàng Citibank và TPBank là những ngân hàng tiên phong áp dụng công nghệ bảo mật tiên tiến", ông Thi cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Khánh: "Do 70% công ty Fintech là startup nên việc hình thành các Fintech qui mô lớn là khá khó khăn, dù có vốn nước ngoài. Như vậy, tương lai phát triển của Fintech là triển vọng nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức".

Cụ thể, bên cạnh những lợi ích, sự trỗi dậy của Fintech cũng kèm theo nhiều thách thức như vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực… 

Ngoài ra, hệ sinh thái của công nghệ tài chính mới chỉ tập trung ở ba dịch vụ là thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng.

"Cùng với sự phát triển nhanh chóng của Internet và bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu nhiều cuộc tấn công mạng có qui mô và chủ đích nhất.

Với tổn thất do phần mềm độc hại (malware) gây ra ước tính lên tới 642 triệu USD trong năm 2018", ông Lã Mạnh Cường, Tổng Giám Đốc của OPSWAT Việt Nam thông tin.

Trước vấn đề này, Hội thảo Vietnam ICT Outlook - VIO 2019 với chủ đề "Định hình tương lai Fintech Việt Nam - Shaping the future of Vietnam Fintech", sẽ được Hội Tin học TP HCM phối hợp cùng Fintech Academy Singapore, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức vào ngày 30 và 31/10 tại TP HCM.

a31a1928874961173858

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM (HCA). Ảnh: Như Huỳnh.

Đây là sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ, quĩ đầu tư, hãng công nghệ trong và ngoài nước với các hoạt động giao lưu ý tưởng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn và vận hành doanh nghiệp trong cộng đồng startup về FinTech.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM (HCA) cho biết đây là lần đầu tiên HCA thay đổi cả hình thức và nội dung của VIO thông qua việc hợp tác với Fintech Academy Singapore. 

"Là một trong những lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam, HCA mong muốn thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến Fintech để giúp các doanh nghiệp công nghệ có thể tiệm cận với những xu hướng, công nghệ mới nhất đang diễn ra trên thế giới", ông Long cho hay.



Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.