|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Top 5 trung tâm tài chính Fintech hàng đầu thế giới

15:53 | 29/08/2019
Chia sẻ
Fintech - lĩnh vực tài chính công nghệ hot nhất hiện nay đang được nuôi dưỡng và phát triển từ 5 thành phố này.

Fintech (Financial Technology) đang chứng tỏ là một trong những lĩnh vực mang lại lợi nhuận liên doanh cao nhất. Theo Juniper Research, các công ty fintech sẽ đạt mốc doanh thu 638 tỉ USD vào năm 2024, tăng trưởng 143% so với doanh thu ước tính cho năm 2019.

Khi Brexit rõ ràng đã làm lu mờ triển vọng phát triển của thủ đô tài chính hàng đầu thế giới, London, sự chú ý của giới đầu tư đang đổ dồn tới các trung tâm fintech mới nổi lên ở những nơi khác. 

Trên toàn cầu, các thành phố lớn đang mở cửa cho đầu tư nước ngoài và tạo ra động lực khởi nghiệp to lớn chú trọng khai thác thị trường đang phát triển này. Theo khảo sát của Startup Genome, dưới đây là 5 trung tâm fintech mới nổi hàng đầu thế giới trong năm 2019:

Sao Paulo

Brazil có nhiều công ty khởi nghiệp fintech hơn bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác và hầu hết trong số đó tập trung tại trung tâm tài chính của quốc gia này, São Paulo.

Do hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài một thập kỉ và sự tập trung quyền lực cao trong tay 5 ngân hàng lớn nhất nước này, nhiều người Brazil đã trở nên không tin tưởng vào các ngân hàng truyền thống vốn có mức lãi suất cao và thủ tục quan liêu. 

Kết quả là khoảng 40% người Brazil bị loại khỏi các dịch vụ ngân hàng truyền thống trở thành nhóm thị trường béo bở cho các công ty khởi nghiệp fintech đột phá.

Một start-up điển hình như vậy là Nubank - ngân hàng trực tuyến và nhà điều hành thẻ tín dụng Brazil, hiện nằm trong top những công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị cao nhất trên toàn khu vực Mỹ Latinh. Trong vòng 10 năm tới, thị trường fintech của Brazil dự kiến sẽ tạo ra doanh thu tiềm năng lên tới 24 tỉ USD.

Litva

Một quốc gia khác đã sẵn sàng nhận dòng chảy đầu tư fintech sau Brexit là Litva. Vào tháng 2/2019, nước này đã nhận khoảng 100 đơn đăng kí giấy phép kinh doanh của các công ty tài chính tại Anh. 

Điều này một phần vì Litva đã và đang tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để giúp doanh nghiệp mới phát triển. Ví dụ, thể chế của Ngân hàng Litva cho phép các công ty thử nghiệm công nghệ mới trước khi phát hành sản phẩm ra thị trường.

Quốc gia này cũng có thời gian xét duyệt ngắn nhất đối với tiền điện tử hoặc giấy phép thanh toán tại EU. Do đó, Ngân hàng Thế giới đã xếp Litva đứng thứ 14 trong số 190 quốc gia trong Danh sách Quốc gia thuận lợi cho Doanh nghiệp năm 2019. 

Với số lượng các công ty fintech ở Litva đã tăng gấp đôi từ năm 2016 đến 2018, quốc gia này đang trên đường trở thành trung tâm fintech hàng đầu.

Sao-Paulo

Sao Paolo là một trong những thủ đô tài chính fintech hàng đầu của Mỹ Latin và trên thế giới. Ảnh: World Finance

Estonia

Estonia là quốc gia có tỉ lệ khởi nghiệp bình quân đầu người cao nhất châu Âu. Theo Startup Genome, 29% việc làm trong các công ty khởi nghiệp đều thuộc ngành fintech non trẻ của quốc gia này. 

Một trong những hiện tượng kì lân (unicorn) nổi tiếng nhất xuất hiện từ Estonia là công ty chuyển tiền quốc tế TransferWise đã huy động được 280 triệu USD đầu tư chỉ riêng trong năm 2017.

Cú bùng nổ của các công ty khởi nghiệp tại đây một phần được thúc đẩy bởi chương trình Estonia e-residency được đưa ra 4 năm trước cho phép đăng kinh doanh tại Estonia từ bất cứ đâu và điều hành từ xa. Chính phủ cũng triển khai dự án Startup Estonia cung cấp các chương trình đào tạo khởi nghiệp và giáo dục cho các nhà đầu tư.

Hơn nữa, Estonia được đánh giá là một trong những xã hội thuật số tiên tiến nhất thế giới. Theo CNBC, 99% các dịch vụ công cộng tại đây đều được thực hiện trực tuyến và sở hữu băng thông rộng mạnh hơn nhiều quốc gia phát triển khác.

Frankfurt

Là thủ phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu và hơn 200 ngân hàng nước ngoài khác, Frankfurt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của EU. Do đó, thành phố này sở hữu vị trí đắc địa để thu hút các công ty khởi nghiệp tiên tiến. 

Cộng đồng doanh nghiệp ở nước này khuyến khích các dự án fintech thông qua một số chương trình ủng hộ và sử dụng sản phẩm của công ty khởi nghiệp. 

Năm 2016, Deutsche Bank đã ra mắt dự án Digitalfabrik hỗ trợ phát triển các sản phẩm ngân hàng số, trong khi các nền tảng như TechQuartier được tạo ra để kết nối các công ty khởi nghiệp với các ngân hàng, nhà đầu tư và cố vấn.

Các tổ chức tài chính và những người mới tham gia đều muốn thúc đẩy sự đổi mới. Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất trong số này là 360T, một sàn giao dịch ngoại hối. Vào năm 2015, Deutsche Böerse đã mua 360T với giá 796 triệu USD - thương vụ mua lại công ty khởi nghiệp lớn nhất tại Đức vào thời điểm đó. 

Trong khi Berlin vẫn được xem là trung tâm công nghệ của Đức, Frankfurt đang âm thầm thúc đẩy một hệ sinh thái khởi nghiệp fintech đầy cạnh tranh và hứa hẹn.

Bengaluru

Bengaluru (trước đây là Bangalore) được dự đoán sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghệ lớn tiếp theo. Là hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh nhất châu Á, thành phố này có tới 438 công ty khởi nghiệp fintech và được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ. 

Trong khi fintech mới chỉ xuất hiện tại Ấn Độ trong thời gian gần đây, tiềm năng và thị trường đang tăng lên nhanh chóng. Nước này đã vượt qua Trung Quốc để trở thành trung tâm gây quỹ fintech hàng đầu châu Á. 

Những cơ hội này đặc biệt tập trung trong các lĩnh vực như thanh toán, chiếm phần lớn nhất trong các công ty khởi nghiệp fintech ở Ấn Độ. Nhận thấy cơ hội tại đây, Mastercard đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới và đã mở văn phòng tại Gurgaon và Bengaluru.

Thu Phương