Tìm đâu cú hích cho thị trường fintech Việt Nam?
Tiềm năng phát triển lớn
Ngày 31/10, Hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ 24 với chủ đề "Định hình tương lai Fintech Việt Nam" do Hội Tin học TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra tại TP HCM.
Số liệu thống kê tại hội thảo cho biết tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 154 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech và 70% trong số đó là các công ty khởi nghiệp như trung gian thanh toán (chiếm khoảng 60,5%), gọi vốn cộng đồng (khoảng 10,5%),...
Toàn cảnh Hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam lần thứ 24 với chủ đề "Định hình tương lai Fintech Việt Nam".Ảnh: NH.
Trong lĩnh vực thanh toán, có 5 công ty chiếm đến 95% thị phần. 72% các mô hình kinh doanh của fintech Việt Nam chọn kết hợp với các ngân hàng.
Đáng chú ý, Fintech góp phần thúc đẩy tăng tốc thanh toán không dùng tiền mặt qua internet banking và Mobile banking. Doanh thu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam được dự báo đạt khoảng 9 tỉ USD vào năm 2020 khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho Fintech do 65% dân số là dưới 35 tuổi nên tiếp nhận cái mới rất nhanh, nhất là sử dụng phương tiện công nghệ mới.
Cụ thể, tốc độ thanh toán qua di động quí I/2019 tăng 98% so với quí I/2018, số món thanh toán qua internet quí I/2019 cũng tăng 66% và số món thanh toán qua ví điện tử tăng khoảng 56% so với quí I/2018.
Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân dùng mạng xã hội như Facebook, YouTube khá lớn và sẵn sàng chi ra khoảng trên 161 triệu USD/năm để sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM. Ảnh: NH.
Tuy nhiên, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM cho rằng ở Việt Nam, các công ty Fintech chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ là thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn.
Riêng các lĩnh vực cụ thể khác như dịch vụ quản lí tài sản, quản lí thanh khoản, quản lí đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai.
...nhưng còn nhiều rào cản
Những con số trên cho thấy hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam mặc dù phát triển nở rộ gần đây nhưng vẫn đang còn nhiều hạn chế và gặp không ít các khó khăn, trở ngại.
Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia...
Xu hướng các công ty Fintech đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam vừa là cơ hội và cũng là thách thức cho doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, theo ông Long dù Việt Nam có môi trường tốt cho các công ty fintech phát triển. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại thiếu giải pháp cụ thể.
"Hiện chỉ có 2 trong 6 nước đang phát triển fintech ở khu vực là Việt Nam và Philippines chưa có cơ chế thử nghiệm (sandbox). Đây là điểm cần cải thiện trong khi các nước khác có chính sách rất cụ thể để triển khai", ông Long nhấn mạnh.
Hiện tỉ lệ sử dụng internet 69% và 72% sử dụng điện thoại thông minh, tỉ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng thấp, chỉ 59%. Giao dịch không dùng tiền mặt tính theo đầu người là 5,9%, trong khi Thái Lan gần 60%, Malaysia 89%,...
Trong khi theo kế hoạch đề ra, Việt Nam sẽ giảm giao dịch tiền mặt từ 1/2017 đến 2020 như giảm tỉ lệ sử dụng tiền mặt xuống dưới 10% tổng giao dịch, 70% thanh toán tiền điện nước, viễn thông của các cá nhân, hộ gia đình không dùng tiền mặt và 50% hộ gia đình thành thị dùng thanh toán điện tử trong các giao dịch hàng ngày.
Ngoài ra, các rào cản của fintech Việt Nam còn thuộc về chính sách, vốn, kiến thức quản trị và nhận thức, tín nhiệm.
Đâu là giải pháp?
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Việt Nam đang tiếp cận chậm về lĩnh vực này so với thực tế phát triển cũng như so với nhiều nước. Do đó, quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy tiếp cận của những cơ quan làm chính sách.
"Nếu cứ tiếp tục theo tư duy cũ là cái này chưa có căn cứ pháp lí, cái kia chưa có qui định… thì vẫn theo cơ chế xin - cho. Hành lang pháp lí phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, phải biết doanh nghiệp mong muốn gì. Với mục tiêu hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng nhưng không phải vậy mà cản trở Fintech phát triển", ông Hòe nhấn mạnh.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính.
Tuy nhiên, hiện dịch vụ công còn triển khai chậm thanh toán không tiền mặt do còn nhiều vướng mắt, gây khó khăn cho người dân. Do đó, TP HCM cũng muốn đặt hàng các doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ Fintech thanh toán trong dịch vụ công.
Bên cạnh đó, thành phố muốn đề xuất các doanh nghiệp cùng hợp tác về kĩ thuật công nghệ để cùng hoạt động thanh toán đồng bộ trên một thẻ.
"Bởi hiện nay, có quá nhiều thẻ để thanh toán do một thẻ không thể thanh toán cùng nhiều ngân hàng, một thẻ không thể sử dụng trên nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác của các doanh nghiệp, ngân hàng nên chặt chẽ hơn để phát triển hệ sinh thái Fintech bền vững", ông Tuyến chia sẻ.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NH.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ lan tỏa rất lớn, có thể đem lại hiệu quả cấp nhân đối với hoạt động kinh tế.
Theo đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nhiều giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ và triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao về việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghệ 4.0 liên kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
"Doanh nghiệp fintech Việt Nam sẽ hiện thực hoá chủ trương Make in Vietnam với nội hàm là sáng tạo của Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, phát triển tại Việt Nam. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam có ngành tài chính ngân hàng không chỉ mạnh mà còn tự chủ", ông Phan Tâm nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/