Bloomberg: Việt Nam - Nền kinh tế số hoá nhất khu vực Đông Nam Á
Kinh tế Internet Đông Nam Á hướng tới mốc 100 tỉ USD trong năm nay
Nền kinh tế internet Đông Nam Á đang trên đà vượt qua mốc 100 tỉ USD trong năm nay trước khi tăng gấp ba vào năm 2025 và trở thành một trong những đấu trường phát triển nhanh nhất thế giới về thương mại trực tuyến nhờ dân số trẻ và mức độ phổ biến của điện thoại thông minh, theo Bloomberg.
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co. cho thấy giá trị của các giao dịch trực tuyến trong các lĩnh vực từ bán lẻ đến thuê xe trên internet sẽ đạt 300 tỉ USD vào năm 2025 nhờ số lượng 360 triệu người dùng hiện tại.
Đồng thời, bốn quốc gia gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia, nơi có mặt của các hãng như Grab và Lazada (trang thương mại điện tử của Alibaba), đều nằm trong top 10 toàn cầu về thời gian người dùng trực tuyến.
Thương mại điện tử vẫn là điểm sáng nhất trong nền kinh tế internet Đông Nam Á. Được hỗ trợ bởi các lễ hội trực tuyến nhằm hấp dẫn khách hàng, ứng dụng giải trí và tiện ích giao hàng nhanh, thị trường dự kiến tăng gấp 4 lần từ 38,2 tỉ USD vào năm 2019 lên 153 tỉ USD vào năm 2025.
Phần lớn sự tăng trưởng đó đến từ Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới với 264 triệu dân, nơi thị trường thương mại điện tử là sẵn sàng mở rộng từ 21 tỉ USD lên 82 tỉ USD.
Thị trường gọi xe trong khu vực được dự đoán sẽ đạt 40 tỉ USD vào năm 2025 từ 12,7 tỉ USD vào năm 2019 nhờ sự thúc đẩy các "con chim đầu đàn" Grab và Gojek. Cả hai đều xem giao hàng thực phẩm là động lực chính của tăng trưởng và lợi nhuận. Điều đó sẽ khiến họ trở thành đối thủ cạnh tranh của các công ty cung cấp bữa ăn như Foodpanda và Deliveryoo.
Việt Nam - nền kinh tế "số hoá" nhất khu vực Đông Nam Á
Việt Nam đang nổi lên như một nền kinh tế "số hoá" nhất trong trong khu vực, với tổng giá trị hàng hóa của kinh tế internet chiếm hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019, cao hơn nhiều so với mức 3,7% thị phần của Đông Nam Á .
Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy sự bùng nổ tại Việt Nam, nơi các công ty "nhà" như Sendo và Tiki cạnh tranh với các công ty trong khu vực bao gồm như Lazada và Shopee (công ty của Tencent Holdings).
Nhờ đó, thanh toán số cũng ngày càng phát triển và dự kiến sẽ vượt quá mốc 1 nghìn tỉ USD vào năm 2025. Số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng trong khu vực vẫn còn ở mức thấp.
Trong số 400 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á có 98 triệu người có tài khoản ngân hàng nhưng hạn chế với các dịch vụ khác như tín dụng (underbanked). Và 198 triệu người khác không có tài khoản ngân hàng (unbaked)
Những kì vọng về tăng trưởng mạnh mẽ của mảng này đang giúp thu hút các nhà đầu tư bất chấp những cơn gió ngược trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy các công ty internet Đông Nam Á đã huy động được 7,6 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm nay, tăng từ mức 7,1 tỉ USD một năm trước đó.
Các công ty gọi xe do Grab và Gojek dẫn đầu đã huy động được hơn 14 tỉ USD trong 4 năm qua, trong khi các công ty thương mại điện tử bao gồm Tokopedia đã thu hút gần 10 tỉ USD. Giá trị các vòng kêu gọi vốn giai đoạn cuối cho Grab và Gojek là một trong những vòng có qui mô lớn nhất trên toàn cầu.