|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành Fintech tại Đông Nam Á sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD vào năm 2025

07:55 | 09/10/2019
Chia sẻ
Với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, Fintech sẽ là một trong những ngành phát triển vượt bậc trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 ở Đông Nam Á.

Một khảo sát mới đây cho thấy chỉ 104 triệu trong tổng số khoảng 400 triệu người trưởng thành ở Đông Nam Á có khả năng tiếp cận toàn bộ dịch vụ tài chính của các ngân hàng. Tới 198 triệu người thậm chí chưa từng sở hữu tài khoản ngân hàng, theo Entrepreneur.

Mặc dù Đông Nam Á không thiếu những công ty cung cấp dịch vụ tài chính, những vấn đề đặc thù đã cản trở các ngân hàng và công ty bảo hiểm có thể mở rộng thị trường, như thông tin tín dụng không đầy đủ hay những qui định khắt khe quá mức.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi, từ khi những công ty công nghệ tài chính (Fintech) bắt đầu xuất hiện.

20190909135557-GettyImages-1127063674

Ngành Fintech sẽ vượt mốc 1.000 tỉ USD vào năm 2025. Ảnh: Entrepreneur

Trong 5 năm qua, tốc độ phát triển của internet và công nghệ đã góp phần khiến ngày một nhiều các công ty Fintech xuất hiện ở châu Á, với đủ loại qui mô và hình thức khác nhau. Ngoài ra, nhận thức của người dùng về các dịch vụ tài chính cũng tăng dần, qua đó họ sẽ lựa chọn sử dụng dịch vụ tốt nhất.

Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, bao gồm chuyển khoản và sử dụng ví điện tử tại châu Á đã đến điểm bước ngoặt, theo một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co.

Với tốc độ tăng trưởng theo từng năm lên tới hai con số, thị trường thanh toán điện tử tại Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt mốc 1.000 tỉ USD vào năm 2025, và sẽ chiếm 50% trong tổng chi tiêu trong khu vực. Riêng thị trường ví điện tử có giá trị 22 tỉ USD năm 2019 dự kiến sẽ tăng gấp hơn 5 lần tới con số 114 tỉ USD vào năm 2025.

Fintech đang thu hút sự quan tâm từ rất nhiều các tổ chức đang hoạt động trên các lĩnh vực khác. Cụ thể hơn, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty gọi xe, siêu ứng dụng hay các nền tảng mạng xã hội đều đang để mắt tới lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nhiều startup chỉ cung cấp dịch vụ Fintech. Ứng dụng thanh toán Momo của Việt Nam, dịch vụ quản lí tài sản kĩ thuật số Stashway và ứng dụng cho vay Akulaku tại Indonesia là những cái tên tiêu biểu. Đa số trong các công ty hướng tới những người không có khả năng sử dụng dịch vụ tài chính truyền thống.

momo-top-100-cong-ty-fintech-the-gioi-2

Momo là một ví dụ về công ty thuần Fintech. Ảnh: Entrepreneur

Rủi ro của những công ty thuần Fintech chính là chi phí bỏ ra để thu về một khách hàng khá cao khi họ không có một nguồn dữ liệu khổng lồ. Ngoài ra, một vấn đề nữa là liệu họ có thể cung cấp cho khách hàng một gói dịch vụ trọn bộ như các tổ chức tài chính truyền thống hay không.

Các công ty như Lazada, Gojek hay Grab đều đã hợp tác với những công ty thuần Fintech bởi họ có một lượng khách hàng đủ lớn để giảm bớt rào cản khi gia nhập thị trường cho đối tác.

Với việc phần lớn dân số vẫn chưa chính thức sử dụng các dịch vụ tài chính, cơ hội cho ngành Fintech tại Đông Nam Á vẫn là rất lớn. Những công ty khởi nghiệp Fintech đã tạo ra sự khác biệt trong khu vực, nhất là với bộ phận dân số dưới chuẩn cho vay của ngân hàng. 

Lê Quý