Ngân hàng - Người nắm giữ chìa khoá vàng trong thị trường thanh toán phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam
Theo dự báo của The Asian Banker các dịch vụ tài chính tại Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam có khả năng nổi lên như một thị trường định hướng tiêu dùng đáng kể và có thể liệt vào nhóm các nước tiêu dùng mạnh của châu Á cùng với Indonesia và Philippines với nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng cao.
Số lượng tài khoản ước tăng từ 17 triệu (năm 2011) lên khoảng 30 – 32 triệu tài khoản chính thức vào năm 2020 với chủ sở hữu là 38% dân số trưởng thành.
Điều này có nghĩa rằng, Việt Nam sẽ bổ sung khoảng 1,8 triệu người vào nhóm sử dụng ngân hàng mỗi năm. Trong hơn một thập kỉ từ 2020 - 2030, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi một lần nữa, từ 32 triệu đến hơn 60 triệu người có tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức phát hành thẻ và fintech đều mong muốn chiếm lĩnh thị trường khách hàng trung lưu, tầng lớp mạnh nhất ở châu Á.
Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, giá trị giao dịch thương mại điện tử trực tuyến có tốc độ tăng trưởng hợp lí nhưng vẫn chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn trong thị trường thanh toán tổng thể. Giá trị thanh toán trực tuyến đạt 1,15 tỉ USD (26,7 nghìn tỉ đồng) trong năm 2017, chỉ đóng góp 9% vào giá trị thanh toán trực tuyến so với 91% qua điểm bán hàng (POS).
Nghiên cứu của The Asian Banker cho thấy thẻ tín dụng quốc tế đóng góp 3% vào tổng số thẻ lưu hành vào năm 2018 trong khi số lượng chủ thẻ tín dụng chiếm 4,1% ở người Việt Nam, chỉ bằng một nửa Thái Lan và 1/5 của Malaysia, theo ước tính của World Bank. Tuy nhiên, phân khúc thẻ này đã tăng 50% so với cùng kì năm trước từ 3,2 lên hơn 4,8 triệu trong năm 2018.
Trong những năm gần đây, các ngân hàng trong nước đã phát triển mạnh thêm loại thẻ tín dụng cao cấp như: thẻ tín dụng Platium với nhiều ưu đãi du lịch và hoàn lại tiền và chương trình khách hàng ưu tiên.
Các ngân hàng thường cung cấp tối đa 10 thẻ tín dụng khác nhau mà không tập trung đặc biệt vào vào một phân khúc nào. Thay vì tạo ra một ưu đãi riêng cho mỗi loại thẻ trên, các ngân hàng có xu hướng thường đưa ra các mức ưu đãi, thưởng giống nhau tại các thẻ và sự khác biệt duy nhất về tỉ lệ nhận tiền trong các chương trình thưởng.
Citibank (mạnh về chi tiêu thẻ) và Vietcombank, Sacombank và Techcombank (dẫn đầu về số lượng thẻ) theo truyền thống là những ngân hàng mạnh nhất trên thị trường thẻ tín dụng quốc tế.
VPBank đã vươn lên từ vị trí thứ 7 (năm 2014) về số lượng thẻ lên vị trí thứ 4 vào năm 2017 do sự tăng trưởng từ FE Credit. Công ty tài chính tiêu dùng này đã phát hành hơn 1 triệu thẻ vào tháng 6/2019
Từ đầu năm 2018, các ngân hàng ngoại như Standard Chartered đã giới thiệu các ứng dụng về thẻ tín dụng trực tuyến cho phép cải thiện việc nhập dữ liệu, kiểm tra và phát hành,… Khách hàng có thể đăng kí mở thẻ tín dụng và gửi tất cả các hồ sơ cần thiết trực tuyến.
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng địa phương hiện đang làm việc để hoàn thiện chương trình đăng kí và phê duyệt online cho phép kết nối với máy chủ và phòng tín dụng để có thể có kết quả phê duyệt ngay lập tức.
Các ngân hàng cũng đang trong quá trình chuyển sang thẻ không tiếp xúc, thẻ ảo cho tất cả các loại sản phẩm thẻ như: mVISA, VISA Direct, VISA payware và MasterPass và bắt đầu cung cấp kích hoạt thẻ thông qua các ứng dụng ngân hàng di động.
Thị trường thanh toán đón nhận sự gia nhập của các hình thức thanh toán mới theo ứng dụng công nghệ như ví điện tử, thanh toán qua máy POS, mã QR,... một cách hào hứng với số lượng người sử dụng các hình thức này ngày càng gia tăng.
Ví điện tử đã trở thành một trong những kênh thanh toán mới có tốc độ phát triển mạnh với hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có năm nhà cung cấp đã có những thành công nhất định gồm MoMo, ViettelPay, VNPay, ZaloPay và Moca.
Momo cho biết họ đã có 10 triệu người dùng ví điện tử đăng ký vào tháng 10/2018. Công ty Grab (có trụ sở tại Singapore) hợp tác với Moca vào năm 2018 cũng đang chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường sang hoạt động cho vay.
Công ty này đã rót hàng trăm triệu USD vốn đầu tư vào Việt Nam, nơi họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, Go-Viet, một công ty con của tập đoàn khổng lồ Go-Jek của Indonesia, đang ở bước khởi đầu cho dịch vụ Go-Pay sắp tới của mình.
Cùng với đó, thị trường cũng đang chuyển từ các kênh thanh toán truyền thống sang POS di động (mPOS), thanh toán bằng mã QR và thương mại điện tử mặc dù qui mô vẫn chưa thể bằng với phương thức thanh toán truyền thống.
Năm 2018 chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng đơn vị chấp nhận mã QR, với gần 58.000 điểm thanh toán, tăng 600% so với năm 2017. Việt Nam có 27.500 địa điểm chấp nhận thanh toán qua mPOS trong năm 2018, tăng 99% so với cùng kì năm trước, số liệu từ Hiệp Hội ngân hàng.
Trong giai đoạn từ 2010 - 2017, số lượng thiết bị POS đã tăng 568% lên 306.158 trong năm 2017 và có khả năng sẽ vượt qua con số 345.000 trong năm 2018 (Việt Nam có hơn 700.000 nhà bán lẻ). Tuy nhiên số tiền rút từ ATM vẫn cao hơn khoảng 7 lần so với khối lượng thanh toán trên POS (thanh toán qua ngân hàng).
QR đang trở thành một phương thức thanh toán phổ biến và NHNN cũng đã tuyên bố sẽ đưa ra một tiêu chuẩn chung cho mã QR. Tuy nhiên, tổng số giao dịch thanh toán qua QR vẫn ở mức rất nhỏ so với con số 10 tỉ USD (300.000 tỉ đồng) giá trị giao dịch qua POS trong năm 2018.
Cùng với sự phát triển mạnh của các dịch vụ thanh toán từ các công ty tài chính, fintech,... các ngân hàng cũng đang đặt mục tiêu để có được càng nhiều thị phần hơn tại thị trường Việt Nam.
Một điều khó chối cãi rằng những công ty công nghệ tài chính (fintech) sẽ có những bước đi vô cùng khó khăn trong mảng thanh toán. Bởi vì với những qui định hiện tại, ngân hàng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi thanh toán. Và khi nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ, họ sẽ có một dịch vụ tài chính toàn diện tốt hơn nhiều so với các fintech.
Các mô hình quản lí giao dịch, thanh toán khác nhau, không có tiêu chuẩn thống nhất khiến cho thị trường bị phân mảnh, không đồng bộ và không hiệu quả.
Những công nghệ mới như QR Code, các ứng dụng di động và thương mại điện tử đang được phát triển và thói quen sử dụng tiền mặt đang dần thay đổi, nhưng nó vẫn tăng trưởng với một tốc độ chậm khi người dùng cần thời gian để tiếp nhận và bắt đầu sử dụng công nghệ mới.
Cùng với đó việc bắt buộc các ví điện tử phải được liên kết với các tài khoản ngân hàng khiến cho ngân hàng trở thành bên uỷ thác thanh toán. Hiện nay, các ngân hàng lớn trong nước đã kí hợp đồng với 21 công ty fintech được cấp phép để cung cấp dịch vụ tài chính của họ, tạo ra một khoản phí trung gian trong mỗi giao dịch thanh toán.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang tích cực thúc đẩy thanh toán kĩ thuật số. Vào tháng 8, Visa và Bộ Giao thông vận tải của Việt Nam đã kí một biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện một nền tảng thanh toán an toàn trên tất cả các mạng lưới giao thông.
Ngoài ra, việc chuyển sang mã QR được tiêu chuẩn hóa sẽ tiếp tục thúc đẩy tỉ lệ người dùng nhưng việc triển khai vẫn cần một thời gian nữa.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/