|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khi thực tế còn tối tăm hơn dự báo bi quan nhất: Những số liệu đầu tiên về thiệt hại mà COVID-19 gây ra với kinh tế Mỹ

17:43 | 16/04/2020
Chia sẻ
Báo cáo tiêu dùng và sản xuất tháng 3 cho thấy tác động từ COVID-19 đến nền kinh tế Mỹ còn nặng nề hơn so với dự đoán của các chuyên gia, làm dấy lên lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ leo thang thành khủng hoảng.
Ác mộng của phố Wall thành sự thực: Dữ liệu kinh tế Mỹ trong tháng 3 còn xấu hơn so với dự báo - Ảnh 1.

Một dãy các cửa hàng phải đóng cửa tại Montana, Mỹ vì COVID-19. Ảnh: Getty Images

Báo cáo tiêu dùng và sản xuất tháng 3 cho thấy tác động tiêu cực của COVID-19 đến nền kinh tế Mỹ trong những tuần đầu áp dụng lệnh phong tỏa thậm chí còn nhanh và mạnh hơn so với dự kiến.

Theo CNBC, doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm 8,7%; mức giảm sâu nhất từng được ghi nhận trong dữ liệu chính phủ từ năm 1992. Hoạt động sản xuất của khu vực New York rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, lao dốc 78,2%.

Sản lượng công nghiệp giảm 5,4%; mức lớn nhất kể từ năm 1946. Chế tạo giảm kỉ lục 6,3%; phản ánh tác động của hoạt động sản xuất ô tô giảm 28% do các nhà máy phải đóng cửa.

Ác mộng của phố Wall thành sự thực: Dữ liệu kinh tế Mỹ trong tháng 3 còn xấu hơn so với dự báo - Ảnh 2.

Các báo cáo kinh tế cho thấy tai họa kép của việc các tiểu bang phải đóng cửa từ giữa tháng 3 tới hai trụ cột chính của nền kinh tế - người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Các dữ liệu được công bố thậm chí còn khủng khiếp hơn so với dự kiến, báo trước hoạt động kinh tế trong tháng 4 sẽ còn sụt giảm nặng nề hơn, khi mà lệnh phong tỏa được áp dụng tại các tiểu bang chiếm tới 90% nền kinh tế Mỹ.

Chỉ số tâm lí của các nhà xây dựng cũng lao dốc vào đầu tháng 4, mức giảm mạnh nhất trong kể từ khi chỉ số này được thống kê 35 năm trước.

Theo Chỉ số thị trường nhà ở Wells Fargo/Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia mới nhất, niềm tin của các nhà xây dựng cho nhà ở một gia đình đã giảm 42 điểm, xuống còn 30 điểm.

Doanh số bán lẻ tháng 3 lao dốc 8,7%; cao hơn cả mức sụt giảm các nhà kinh tế dự đoán trước đó là 8%. Điểm sáng duy nhất là doanh số của các cửa hàng tạp hóa và đồ uống tăng 25,6%. 

Ông Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại MUFG Union Bank nhận xét: "Rõ ràng là nền kinh tế đang bị hủy hoại. Không có ai mua ô tô, doanh số bán ô tô giảm 25,6%. Không ai mua đồ nội thất, doanh số bán đồ nội thất sụt 26,8%. Doanh thu của các địa điểm ăn uống giảm 26,5%".

Ác mộng của phố Wall thành sự thực: Dữ liệu kinh tế Mỹ trong tháng 3 còn xấu hơn so với dự báo - Ảnh 3.

Theo dự kiến, sự sụt giảm của hoạt động kinh tế sẽ chạm đáy trong quí II. Các nhà kinh tế dự đoán GDP quí II sẽ giảm kỉ lục 30%. JPMorgan ước tính GDP quí II sẽ lao dốc 40%, nối tiếp mức giảm 10% của quí I.

Các chuyên gia kinh tế cũng có thể thay đổi dự báo GDP quí I theo hướng tiêu cực hơn trước, cho thấy nền kinh tế bắt đầu thu hẹp nhanh chóng khi các doanh nghiệp đóng cửa, người dân hạn chế ra ngoài, và Tổng thống Trump kêu gọi người Mỹ thực hành giãn cách xã hội.

Nhưng ông Ward McCarthy, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Jefferies nói rằng dữ liệu doanh số bán lẻ tổng thể khiến cho triển vọng GDP quí I xấu hơn so với thực tế. Một số hạng mục thành phần của dữ liệu này thật ra đã được cải thiện so với trước. Cụ thể, doanh số vật liệu xây dựng tăng 1,3%; y tế và chăm sóc cá nhân tăng 4,3%.

Ông McCarthy cho biết "Điểm mấu chốt là chi tiêu của người tiêu dùng đang cắm đầu lao dốc, bất chấp con số này đã được duy trì khá vững trong một thời gian dài. Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn, khi mọi người đang cố gắng thích nghi với việc giãn cách xã hội. Mảng tiêu dùng sẽ tiếp tục đi xuống trong quí I và quí II, nhưng sẽ rất khó để ước tính qui mô của sự sụt giảm".

Bất chất việc người tiêu dùng mua sắm ở nhà nhiều hơn trước, mua sắm trực tuyến chỉ tăng 3,1%; không đủ để cứu vãn doanh số bán lẻ tháng 3.

Bộ Thương mại Mỹ thừa nhận gặp phải khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu vì nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.

Ông Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại MUFG Union Bank cho biết: "Doanh số bán lẻ trong quí IV/2008 giảm hơn 8%, nhưng đây là số liệu của kì ba tháng. Năm 2020, doanh số bán lẻ giảm 8% chỉ trong một tháng… "

"Người tiêu dùng đang "cố thủ" ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần đến hàng tạp hóa. Đây là con số của ngày hôm nay, còn theo như những gì chúng tôi dự đoán, doanh số bán lẻ sẽ còn giảm mạnh hơn trong tháng tiếp theo".

Theo CNBC, chỉ số điều kiện sản xuất chung tại New York được đo lường bởi Khảo sát Sản xuất Empire State giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, kể cả giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. 

Các nhà kinh tế của Citigroup lưu ý: "Nói chung, số liệu mới công bố cho thấy hoạt động sản xuất đang chậm lại, nhưng không chênh lệch nhiều so với dự báo, mà chỉ diễn ra sớm hơn và với qui mô rộng hơn một chút so với dự kiến trước đó".

Các nhà kinh tế này cho rằng mức độ sụt giảm 16,5% của lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và 10% của đồ nội thất là đáng ngạc nhiên.

Ác mộng của phố Wall thành sự thực: Dữ liệu kinh tế Mỹ trong tháng 3 còn xấu hơn so với dự báo - Ảnh 4.

Việt hóa: Giang

Ông Jon Hill, chiến lược gia cao cấp về trái phiếu Kho bạc tại ngân hàng BMO cho biết việc dữ liệu thực tế còn tiêu cực hơn so với dự kiến đang làm dấy lên mối lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ leo thang thành khủng hoảng.

Tuy nhiên,  các gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed có thể giúp kinh tế Mỹ tránh khỏi viễn cảnh đen tối nhất, và bắt đầu hồi phục từ quí III.

Ông Hill nhận xét: "Triển vọng của nền kinh tế Mỹ không chỉ phụ thuộc vào sự suy giảm của số ca nhiễm COVID-19 và việc phát triển vắc xin cho virus này, mà còn phụ thuộc vào việc nền kinh tế có thể được mở cửa trở lại hay không, mở cửa nhanh hay chậm, khi xem xét đến hậu quả nặng nề mà thị trường lao động phải hứng chịu".

Chỉ trong vòng ba tuần kết thúc ngày 4/4, gần 17 triệu người lao động Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, cao hơn cả cao số trong cuộc Đại Suy thoái 2008-2009.

Nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu Kho bạc

Ông Hill nhận xét: "Sẽ rất khó xảy ra khả năng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm mạnh". 

Sau khi các báo cáo kinh tế tiêu cực được công bố, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt bán ra cổ phiếu, đổ xô mua vào trái phiếu Kho bạc.

Kết phiên 15/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,9%; đóng cửa ở mức 23.504 điểm. Cổ phiếu bán lẻ nằm trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chỉ số SPDR S&P Retail ETF giảm hơn 4,5%.

Trên thị trường trái phiếu Kho bạc, nhà đầu tư ưa thích mua vào trái phiếu kì hạn dài hơn là trái phiếu có kì hạn ngắn. Hiện tượng này dẫn đến việc chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kì hạn ngắn và kì hạn dài ngày càng thu hẹp, một dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm và 2 năm lần lượt là 0,66% và 0,2%.

Dữ liệu kinh tế xấu kéo theo kì vọng lạm phát giảm, đẩy mức bù lạm phát trên thị trường xuống thấp hơn. Hiện tại, thị trường cho thấy các nhà đầu tư kì vọng lạm phát trung bình trong 5 năm tới vào khoảng 0,87%, thấp hơn nhiều mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Giang