Khen Google, kêu gọi người Trung Quốc không tẩy chay Apple, ông chủ Huawei thể hiện tầm vóc của quân tử
Hôm 21/5, người sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei, doanh nhân Nhậm Chính Phi, tổ chức buổi họp báo giữa thời điểm tập đoàn đang đối mặt với sự trừng phạt chính phủ Mỹ. Không phê phán hay phàn nàn, ông chỉ khẳng định ngành công nghiệp phải hợp tác toàn cầu để phát triển, Global Times đưa tin.
"Không ai có thể đơn phương thúc đẩy sáng tạo và công nghệ", ông tuyên bố trước nhóm phóng viên Trung Quốc tại trụ sở Huawei hôm 21/5, chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo họ sẽ tạm thời bỏ một số hạn chế với công ty đến tháng 8.
Khuyên mọi người không tẩy chay Apple, không phê phán Google
Là nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu và nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, Huawei trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông và dự luận trong vài tháng qua. Giới quan sát coi nỗ lực trấn áp Huawei của Nhà Trắng là đòn khai cuộc của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung.
Trước lập trường của Washington đối với Huawei và căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cộng đồng người Trung Quốc kêu gọi nhau ủng hộ Huawei. Thậm chí một số người còn nói người Trung Quốc nên ủng hộ Huawei bằng cách tẩy chay sản phẩm của tập đoàn Apple.
Tỉ phú Nhậm Chính Phi, người sáng lập và điều hành tập đoàn công nghệ Huawei. Ảnh: The Washington Times
Nhưng trong cuộc họp báo, ông Nhậm gây bất ngờ khi nói nhiều người thân trong gia đình ông thích iPhone và ông vẫn tặng MacBook cho con, cháu khi du học.
"Ủng hộ Huawei trong giai đoạn khó khăn này không nhất thiết là mua điện thoại Huawei". Kêu gọi những người dùng Huawei là ái quốc còn người chọn sản phẩm Apple không yêu nước là sai lầm. Doanh nghiệp không liên quan đến chính trị", vị doanh nhân 75 phát biểu khi khai mạc cuộc họp báo.
Hôm 19/5, Google đã thông báo họ ngừng cung cấp phần cứng và dịch vụ phần mềm đối với Huawei để tuân thủ mệnh lệnh của chính phủ Mỹ. Theo các báo, Huawei chỉ được phép sử dụng phần mềm mở của Android, sẽ không được Google ưu tiên gửi các bản cập nhật phần mềm quan trọng chính thức. Nếu muốn có bản cập nhật phần mềm Android, Huawei phải chờ bản cập nhật trên phiên bản Android mã nguồn mở, hoặc chính Huawei phải tự xây dựng bản cập nhật cho điện thoại của họ.
Nhưng Google gia hạn cung cấp dịch vụ cho Huawei sau khi chính phủ Mỹ hoãn thực hiện các biện pháp hạn chế đối với tập đoàn Trung Quốc tới tháng 8. Mặc dù vậy, ông Nhậm vẫn nhận xét Google "hành xử có trách nhiệm" và khuyên mọi người không nên đổ lỗi cho Google cũng như các doanh nghiệp Mỹ.
"Trong thời khắc khó khăn này, tôi cảm thấy biết ơn các công ty Mỹ vì họ đóng góp nhiều cho sự phát triển của Huawei và họ cũng thể hiện lương tâm trong sáng. Tôi biết các công ty Mỹ đã cố gắng thuyết phục chính phủ để họ tiếp tục hợp tác với Huawei", ông phát biểu.
Luôn muốn đàm phán với chính phủ Mỹ
Khi phóng viên đặt câu hỏi về ảnh hưởng của lệnh trừng phạt đến Huawei và liệu công ty có thể vượt qua áp lực từ chính phủ Mỹ hay không, ông Nhậm nói ông luôn muốn đàm phán với Washington.
"Huawei luôn cần chip của Mỹ và các đối tác Mỹ", ông bình luận.
Bà Mạnh Vãn Chu, một trong 3 người con của ông Nhậm, đang bị giới chức Canada giam theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.
Gibb-Carsley, luật sư đại diện cho chính phủ Canada, nói vào năm 2013, Mạnh Vãn Chu tuyên bố với nhiều ngân hàng rằng Skycom và Huawei là hai công ty riêng biệt, không liên quan tới nhau. Động thái này diễn ra sau khi các ngân hàng phát hiện Skycom giao dịch với Iran.
"Mạnh Vãn Chu sử dụng Skycom để giao dịch với Iran từ năm 2009 tới năm 2014. Đây là điểm mấu chốt trong hành vi phi pháp của bà ta", vị luật sư khẳng định.
Bà Mạnh Vãn Chu, con gái của doanh nhân Nhậm Chính Phi. Ảnh: Global Times
Ngày 27/8, một thẩm phán ở New York ký lệnh bắt Vãn Chu để xét xử. Hồi tháng 11, chính phủ Mỹ nhận thông tin Vãn Chu sẽ quá cảnh Canada trong một chuyến bay từ Hong Kong sang Mexico.
Hôm 30/11, một thẩm phán Canada đồng ý với yêu cầu của Mỹ rằng hành động bắt Vãn Chu phải diễn ra. Vì thế, cảnh sát Canada bắt nữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei hôm 1/12, khi bà quá cảnh ở sân bay quốc tế Vancouver.
Một số người nói việc Vãn Chu giao dịch với Iran chỉ trái với lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu, chứ không vi phạm luật pháp Canada. Song Gibb-Carsley khẳng định việc Vãn Chu nói dối các ngân hàng về bản chất quan hệ giữa Skycom và Huawei đã vi phạm luật pháp Canada.
"Bà ấy lừa nhiều tổ chức tài chính, gây rủi ro cho các lợi ích tài chính của họ", Gibb-Carsley lập luận.
Công tố viên Canada cáo buộc Vãn Chu hàng loạt tội danh, bao gồm một số tội danh có thể khiến bà lãnh mức án tới 30 năm tù. "Bà ấy có động cơ để trốn nếu tòa án cho phép bà tại ngoại", Gibb-Carsley nhận định. Vị luật sư nói thêm rằng tài sản của ông Nhậm Chính Phi, cha của bà Vãn Chu, vào khoảng 3,2 tỷ USD. Chồng của Vãn Chu đang sống tại Vancouver và họ có hai ngôi nhà sang trọng ở đó.