|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giới công nghệ phương Tây đồng loạt hạn chế làm ăn với Huawei

07:26 | 21/05/2019
Chia sẻ
Lời đe dọa của chính quyền Trump đang gây ra một tác động nghẹt thở đối với Huawei.
Giới công nghệ phương Tây đồng loạt hạn chế làm ăn với Huawei - Ảnh 1.

Ảnh: NYT.

Các nhà sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã nói với nhân viên của họ rằng họ sẽ ngưng bán hàng cho Huawei cho đến khi có thông báo mới, Bloomberg trích dẫn nguồn tin am hiểu cho hay. Một nguồn tin khác thì cho biết Google đã ngừng việc cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho gã khổng lồ thiết bị điện thoại di động Trung Quốc. Nhà cung cấp Infineon của Đức cũng cho biết họ sẽ hạn chế kinh doanh với Huawei.

Ngày 17.5, chính quyền Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen và đe dọa cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và chất bán dẫn mà hãng công nghệ Trung Quốc cần để sản xuất các sản phẩm của mình. Lệnh cấm này sẽ kìm hãm hoạt động của nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới và nhà cung cấp điện thoại thông minh số 2.

Giới công nghệ phương Tây đồng loạt hạn chế làm ăn với Huawei - Ảnh 2.

Tỷ lệ doanh thu từ Huawei của các hãng. Ảnh: Bloomberg

Việc chặn bán cho Huawei các linh kiện quan trọng cũng có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các đại gia chip của Mỹ như Micron Technology và trì hoãn việc triển khai các mạng không dây 5G quan trọng trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Trung Quốc. Và hệ quả là điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ, vốn đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà sản xuất chip và các công ty khác cũng phần nào chịu áp lực vì họ sẽ mất phần doanh thu từ một khách hàng như Huawei. Nhưng ngành công nghệ cũng sẽ chịu một tác động tiêu cực rộng lớn hơn. Huawei phụ thuộc vào linh kiện của các công ty Mỹ để sản xuất thiết bị 5G. Động thái này cũng có có thể làm chậm quá trình triển khai và áp dụng công nghệ 5G, làm giảm nhu cầu về điện thoại thông minh và thiết bị mạng, cản trở sự phát triển của công nghệ mới sẽ phụ thuộc vào 5G, chẳng hạn như xe tự lái.

Nếu được thực hiện đầy đủ, hành động của chính quyền Trump có thể có những hiệu ứng lan tỏa trên toàn ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Intel là nhà cung cấp chip máy chủ chính cho công ty Trung Quốc, Qualcomm cung cấp cho nó bộ xử lý và modem cho nhiều điện thoại thông minh của mình, Xilinx bán chip lập trình được sử dụng trong sản phẩm mạng và Broadcom là nhà cung cấp chip chuyển đổi cho một số thiết bị mạng.

Chắc chắn là, Huawei được cho là đã dự trữ đủ chip và các thành phần quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong ít nhất ba tháng. Công ty Trung quốc đã chuẩn bị cho một sự kiện như vậy kể từ ít nhất là giữa năm 2018, tích trữ các thành phần trong khi thiết kế chip của riêng mình, theo nguồn tin của Bloomberg. Nhưng những nhân vật đứng đầu của Huawei tin rằng công ty của họ đã trở thành một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, và họ sẽ có thể tiếp tục mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ nếu hai bên đạt được thỏa thuận thương mại.

Động thái của các công ty Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, làm dấy lên lo ngại rằng mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là kiềm chế Trung Quốc, gây ra một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài cuộc chiến thương mại đã làm náo loạn thị trường toàn cầu trong nhiều tháng, Mỹ đã gây áp lực cho cả đồng minh và đối thủ để không sử dụng Huawei cho mạng 5G, điều sẽ tạo thành xương sống của nền kinh tế hiện đại.

Kịch bản cực đoan là điều này có thể khiến mảng sản xuất thiết bị mạng của Huawei tê liệt và kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc trong nhiều năm, thậm chí phía Trung Quốc có thể coi đây là một hành động chiến tranh, một nhà phân tích nhận định.

Giới công nghệ phương Tây đồng loạt hạn chế làm ăn với Huawei - Ảnh 3.

Doanh số bán điện thoại của các hãng trong quý I.2019. Ảnh: NYT.

Huawei, thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Samsung Electronics, là một trong số ít đối tác phần cứng trên thế giới được Google cấp quyền truy cập sớm vào các tính năng và phần mềm Android mới nhất. Bên ngoài Trung Quốc, điều này là rất quan trọng với Huawei để phổ biến các ứng dụng tiêu dùng và thúc đẩy mảng quảng cáo di động của hãng. Huawei cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ bán hàng cho khách hàng sử dụng hệ điều hành Android, theo một tuyên bố của công ty hôm 20.5 Công ty Trung Quốc vẫn sẽ có quyền truy cập vào các bản cập nhật ứng dụng và bảo mật đi kèm với phiên bản nguồn mở của Android.Hành động kìm kẹp của Mỹ cũng giáng một đòn trực tiếp vào bộ phận thiết bị di động đang phát triển nhanh của Huawei. Hãng công nghệ Mỹ sẽ chỉ có thể truy cập phiên bản công khai của hệ điều hành Android, phần mềm điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới. Công ty sẽ không thể tiếp cận các ứng dụng và dịch vụ độc quyền từ Google Map, tìm kiếm cho tới Gmail. Điều này có thể sẽ làm giảm đáng kể doanh số bán điện thoại thông minh Huawei ở nước ngoài.

Ba Ước

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.