Mỹ nới lỏng lệnh cấm, nhà sáng lập Huawei nói 'không cần'
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ tạm thời cho phép Huawei tiếp tục sử dụng phần mềm, thiết bị của Mỹ cho đến ngày 19/8, tức là trong 3 tháng nữa. Giấy phép này sẽ cho phép Huawei cập nhật phần mềm và các bản vá lỗi cho những thiết bị đã được bán ra trong hoặc trước ngày 16/5. Bộ Thương mại cho biết cơ quan này sẽ đánh giá xem có nên kéo dài lệnh nới lỏng này lên trên 90 ngày hay không.
Huawei vẫn bị cấm mua các linh kiện, thiết bị từ Mỹ để sản xuất sản phẩm mới nếu không được chính phủ Mỹ cho phép.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ - ông Wilbur Ross nói trong một bản thông cáo: Sự nới lỏng này cho phép các nhà mạng viễn thông trên toàn thế giới đang phụ thuộc vào Huawei thêm chút thời gian để thu xếp giải pháp thay thế.
Bộ Thương mại Mỹ cũng cho rằng những thay đổi đối với chuỗi cung ứng của Huawei có thể có những tác động ngay lập tức cũng như lâu dài và không thể lường trước được đối với khách hàng.
Tòa nhà Huawei tại Thẩm Quyến - Trung Quốc. Ảnh: CNBC.
Luật sư Kevin Wolf – cựu quan chức Bộ Thương mại nhận định: "Mục tiêu của lệnh nới lỏng này dường như là để tránh hệ thống mạng internet, máy tính và điện thoại di động không sụp đổ. Đây không phải là Mỹ đầu hàng hay xuống thang, mà là bước chuẩn bị trong nội bộ".
Hôm Chủ nhật (19/5), Reuters đưa tin Alphabet (công ty mẹ của Google) đã tạm ngừng cung cấp phần cứng, phần mềm và dịch vụ kĩ thuật với Huawei. Nhiều hãng sản xuất chip lớn của Mỹ như Qualcomm, Intel, … cũng đã tuyên bố ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei.
Hãng tin CNBC đã liên hệ với Google đề nghị đưa ra bình luận về lệnh nới lỏng vừa công bố nhưng chưa nhận được câu trả lời. Hãng tin Wall Street Journal thì dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Google sẽ tạm thời chưa cấm Huawei tiếp cận dịch vụ của mình.
Huawei không cần Mỹ nới lỏng?
Nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi thì cho biết lệnh nới lỏng tạm thời này không có nhiều ý nghĩa đối với công ty của ông do Huawei đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng cho kịch bản căng thẳng hiện nay. "Huawei tự sản xuất được chip cho mình và không thể bị cô lập khỏi thế giới rộng lớn", nhà sáng lập này nhấn mạnh.
Nhà sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi. Ảnh: Bloomberg.
"Những hành động của Chính phủ Mỹ lúc này cho thấy họ đang đánh giá quá thấp sức mạnh chúng tôi. Mạng 5G của Huawei tuyệt nhiên không hề bị ảnh hưởng. Nói đến công nghệ 5G, các quốc gia khác dù có thêm 2-3 năm nữa cũng không thể đuổi kịp chúng tôi", ông Nhậm Chính Phi nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình CCTV.
Năm 2018, Huawei chi khoảng 70 tỉ USD để mua linh kiện các loại, trong số này 11 tỉ USD là cho các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron Technology.
Hôm thứ 5 tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 thực thể khác vào một bản danh sách đen, khiến gã khổng lồ công nghệ từ Trung Quốc này gần như không thể mua được linh kiện điện tử và nhiều loại hàng hóa khác từ Mỹ.
Những công ty trong danh sách này bị coi là có liên quan đến những hoạt động đi ngược lại an toàn quốc gia hoặc lợi ích ngoại giao của Mỹ.