Trong khủng hoảng, Huawei vẫn nhắm 'ngôi vương' smartphone toàn cầu
Đằng sau vụ bắt giữ nữ tướng Huawei (*): Đế chế khởi nghiệp từ 5.000 USD |
Huawei hiện một trong những công ty đi đầu thế giới về thiết mạng mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G), nhưng thiết bị 5G của Huawei đang đối mặt sự nghi ngờ lớn tại nhiều quốc gia. |
Theo tin từ CNN Business, Huawei ngày 24/1 dự báo sẽ vượt qua đối thủ Hàn Quốc Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới về doanh số cuối năm 2020.
Vào giữa năm ngoái, Huawei từng vượt qua đối thủ Mỹ Apple để trở thành hãng smartphone lớn thứ nhì thế giới.
"Sớm nhất là năm nay, muộn nhất là sang năm, chúng tôi sẽ trở thành số 1", ông Richard Yu, Giám đốc mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Theo ông Yu, Huawei bán được hơn 200 triệu đơn vị sản phẩm smartphone trong 2018, tăng 30% so với 2017.
Ngoài ra, công ty cũng bán được hơn 100 triệu thiết bị thông minh khác, gồm máy tính bảng và đồng hồ thông minh.
Doanh số tăng mạnh mang về cho mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei doanh thu 52 tỷ USD trong cả năm, tăng hơn 40% so với năm trước.
Theo báo cáo hàng năm gần đây nhất của Huawei, smartphone của hãng này rất được ưa chuộng tại Trung Quốc và một số thị trường châu Á khác như Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan.
Huawei cũng nằm trong top 3 thương hiệu smartphone bán chạy nhất tại những nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nam Phi và Mexico. Doanh số của hãng tại thị trường smartphone châu Âu cũng đang tăng lên.
Giá bán trung bình của mỗi chiếc điện thoại Huawei vào khoảng 300 USD, thấp hơn nhiều so với iPhone và ngang tầm với điện thoại Samsung - theo dữ liệu từ Counterpoint Research. Mức giá "mềm" là một lợi thế của Huawei ở những thị trường tăng trưởng như Ấn Độ.
Trong quý 2/2018, thị phần của Huawei trên thị trường smartphone Ấn Độ tăng lên mức 3%, từ 1% cách đó một năm.
Tuy nhiên, những dòng tít báo về Huawei trên truyền thông quốc tế gần đây chủ yếu là về loạt thách thức mà công ty này đang vấp phải, bao gồm vụ bắt Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, và cáo buộc của nhiều chính phủ phương Tây cho rằng thiết bị mạng viễn thông của Huawei có thể được sử dụng làm công cụ giúp Trung Quốc triển khai các hoạt động "nghe lén".
Chính phủ Mỹ hiện đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, từ Canada. Bà Mạnh bị bắt ở Vancouver hồi tháng 1 theo đề nghị của Chính phủ Mỹ, với cáo buộc cho rằng bà đã lừa gạt nhiều ngân hàng khiến các định chế tài chính này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh và Huawei phủ nhận có bất kỳ sai phạm nào.
Huawei hiện một trong những công ty đi đầu thế giới về thiết mạng mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G), nhưng thiết bị 5G của Huawei đang đối mặt sự nghi ngờ lớn tại nhiều quốc gia.
Sau những cảnh báo từ Mỹ, New Zealand và Australia đã cấm sử dụng sản phẩm Huawei trong mạng 5G của mỗi nước. Các mạng viễn thông ở nhiều quốc gia khác cũng đã loại bỏ hoặc tính loại bỏ thiết bị 5G của Huawei.