|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Khẩu trang y tế bị hét giá lên gấp 3, nhiều nơi cháy hàng trước thông tin dịch COVID-19 tại Đà Nẵng

16:21 | 27/07/2020
Chia sẻ
Chỉ qua một đêm, giá các loại khẩu trang y tế tại Hà Nội đã tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước đó, khi xuất hiện thông tin Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng.

"Khẩu trang y tế loại thường giá 100.000 đồng/hộp 50 cái, loại có than hoạt tính là 150.000 đồng/hộp", một cửa hàng thuốc trên đường Ngọc Khánh, Ba Đình phát giá khi khách hàng hỏi mua khẩu trang y tế.

"Không mua nhanh là mai hết đó em", một nhân viên bán hàng cảnh báo.

Ghi nhận của chúng tôi trên địa bàn Hà Nội, ngay sau khi thông tin ca bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng được xác nhận, nhiều người đã nháo nhào đổ xô đi mua khẩu trang y tế, khiến giá của mặt hàng này bị đội lên từ 2-3 lần so với ngày thường.

Giá khẩu trang y tế tăng gấp 3 vẫn bán "đắt như tôm tươi"

Theo khảo sát, giá khẩu trang y tế tại nhiều điểm bán hàng đã tăng gấp đôi thậm chí gấp ba lần chỉ qua một đêm, trước nhu cầu mua sử dụng của người dân tăng đột biến.

Đơn cử, tối Chủ Nhật (26/7) giá khẩu trang tại một hiệu thuốc trên đường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm mới chỉ dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/hộp 50 cái, nhưng sang tới đầu ngày 27/7, mức giá này đã bị đội lên thành 120.000 - 150.000 đồng/hộp, tức tăng gấp 3 so với ngày thường.

Theo lí giải từ phía người bán, nhu cầu của người dân tăng nhanh trong thời gian ngắn, nguồn hàng ngay lập tức không đủ cung cấp khiến giá khẩu trang tăng cao.

Khẩu trang y tế bị hét giá lên gấp 3, bán ra nhỏ giọt trước thông tin dịch COVID-19 tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Sáng đầu tuần, lượng người tìm đến các hiệu thuốc để mua khẩu trang y tế tăng đột biến so với ngày thường. Ảnh: Thiên Trường.

"Liên hệ với các kho thì đều bị báo phải đợi thêm vài ngày nữa hàng mới có, và dự kiến giá sẽ tăng cao hơn so với đợt trước", chị Nhung - nhân viên bán hàng tại quầy thuốc trên đường Mỹ Đình, cho hay.

Cũng theo người này, tình trạng tăng giá khẩu trang y tế chỉ là cục bộ do nguồn hàng chưa vận chuyển về kịp, và giá những sản phẩm này sẽ ổn định hơn trong một vài ngày tới.

Đặc biệt, do hàng chưa có kịp, nhiều hiệu thuốc đã xuất hiện tình trạng cháy hàng, khách đến hỏi mua đều phải ngậm ngùi quay về.

Khẩu trang y tế bị hét giá lên gấp 3, bán ra nhỏ giọt trước thông tin dịch COVID-19 tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Mỗi người đều tranh thủ mua từ 1-2 hộp khẩu trang y tế, loại 50 chiếc/hộp, cùng các loại nước rửa tay khô phòng khi hết hàng, tăng giá. Ảnh: Thiên Trường.

"Có người mua nhiều tới cả chục hộp khẩu trang một lúc, đa số là loại 50 cái/hộp. Nhiều tháng qua không có dịch nên chúng tôi chủ quan không dự trữ nhiều, chỉ nhập về vừa đủ. Hôm nay khách đến tìm mua đông quá mà hàng phải 2-3 hôm nữa mới về", chị Trang, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc trên đường Cổ Nhuế, Hà Nội chia sẻ.

Trong khi đó tại con phố Ngọc Khánh, Ba Đình vốn nổi tiếng là nơi bán các mặt hàng vật tư y tế thì nay lại tỏ ra khá thờ ơ với cơn sốt khẩu trang mới. Khi hỏi mua khẩu trang y tế, khách hàng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ phía cửa hàng, kèm theo câu "không có" hoặc "không bán".

Anh Long, ngụ tại Ba Đình, Hà Nội cho biết phải tìm đỏ mắt mới thấy một cửa hiệu bán khẩu trang y tế.

"Giá thì vẫn khoảng 60.000 - 70.000 đồng/hộp. Theo tôi thì giá này không cao hơn so với ngày thường là mấy, chấp nhận được. Thà mua đắt còn hơn không có để mà mua", anh Long nói.

Khẩu trang y tế bị hét giá lên gấp 3, bán ra nhỏ giọt trước thông tin dịch COVID-19 tại Đà Nẵng - Ảnh 3.

Các cửa hàng vật tư y tế tại Ngọc Khánh, Ba Đình lại tỏ ra thờ ơ với cơn sốt khẩu trang y tế lần này. Ảnh: Thiên Trường.

Tiết lộ với chúng tôi, một chủ hiệu thuốc trên đường Ngọc Khánh cho hay, anh khá dè dặt với mặt hàng tưởng chừng "hái ra tiền" trong mùa dịch này.

"Đợt trước tại đây có một vài cửa hàng bị Quản lí thị trường xử phạt vì tăng giá bán khẩu trang y tế. Nhưng chú bảo, bọn anh có tự sản xuất ra được đâu. Nhập vào với giá cao thì phải bán giá cao, chứ nếu bán như bình thường thì không có lãi, thậm chí còn lỗ. Như vậy nên giờ ít nơi mặn mà với việc này lắm", người này tâm sự.

Ghi nhận tại một vài hiệu thuốc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, tuy đã hết hàng trong sáng ngày 27/7, tuy nhiên vẫn cho khách hàng đặt trước và viết phiếu hẹn. Một nhà thuốc trên đường Xuân Thuỷ hẹn người mua chiều quay lại hoặc nếu không sáng thứ 3 sẽ giao đến tận nhà cho khách.

Thực tế, nhiều cửa hàng không dám nhập khẩu trang y tế với số lượng lớn về để bán, vì sợ không tiêu thụ được sẽ bị lỗ.

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi các loại khẩu trang vải, khẩu trang hoạt tính trên thị trường vẫn có số lượng dồi dào, giá cả không biến động nhiều so với ngày thường, nằm trong khoảng từ 90.000 - 150.000 đồng/sản phẩm.

Xử lí nghiêm các tình trạng trục lợi, đầu cơ tăng giá trong dịch bệnh

Ngày 27/7, Cục Quản lí thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, thực hiện công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 26/7 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đơn vị đã tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cục QLTT Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì việc trang bị nước sát khuẩn để sát khuẩn tay tại đơn vị, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tham gia giao thông.

Khẩu trang y tế bị hét giá lên gấp 3, bán ra nhỏ giọt trước thông tin dịch COVID-19 tại Đà Nẵng - Ảnh 4.

Các địa phương cho biết sẽ xử lí nghiêm tình trạng trục lợi trong dịch COVID-19. Ảnh: Thiên Trường.

Đồng thời, chủ động hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lí.

Kịp thời phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán bất hợp lí đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.

"Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp qui hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết", Cục QLTT Hà Nội thông tin.

Trước đó, ngày 26/7, Công an Đà Nẵng cũng cho biết sẽ phối hợp liên ngành kịp thời ngăn chặn, xử lí nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, các hành vi trục lợi bất chính như sản xuất hàng giả, tái chế khẩu trang y tế đã sử dụng, gian lận thương mại gây bất ổn thị trường.

Thiên Trường

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.